Chiến thắng chỉ mang tính tương đối
Sau 16 năm bà Angela Merkel đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Đức, kết quả bầu cử chính thức sơ bộ ngày 26/9 (giờ địa phương) đã cho thấy đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã dẫn trước đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) với 1,6 điểm, một kết quả sít sao tới nỗi không ai có thể nói trước Thủ tướng tiếp theo sẽ là ai và chính phủ tiếp theo sẽ như thế nào. Điều duy nhất dường như rõ ràng là sẽ phải mất vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng để hình thành một liên minh chính phủ.
Thực tế này đã đặt quốc gia lớn nhất EU này đứng trước những điều không chắc chắn ngay trong thời điểm quan trọng khi mà châu Âu đang nỗ lực khôi phục sau đại dịch và Pháp - đối tác quan trọng của Đức ở châu Âu, sắp diễn ra cuộc bầu cử đầy chia rẽ vào mùa xuân tới.
Cuộc bầu cử ngày 26/9 đã đánh dấu sự kết thúc một kỷ nguyên đã qua của nước Đức và châu Âu. Hơn 1 thập kỷ qua, bà Merkel không chỉ là Thủ tướng Đức mà còn là nhà lãnh đạo uy tín của châu Âu. Bà đã dẫn dắt nước Đức và châu Âu thành công vượt qua những cuộc khủng hoảng và đưa Đức lần đầu tiên trở thành nhà lãnh đạo châu Âu kể từ 2 cuộc chiến tranh thế giới.
Điểm đặc trưng trong thời kỳ bà Merkel nắm quyền chính là sự ổn định. Đảng trung hữu của bà Merel – CDU đã liên minh với một đảng nhỏ hơn, lãnh đạo nước Đức khoảng 52 năm trong 72 năm hậu chiến tranh.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử mới đây đã trở thành cuộc bầu cử biến động nhất trong hàng thập kỷ. Armin Laschet, ứng viên đảng CDU của bà Merkel từ lâu đã được coi như ứng viên hàng đầu trong cuộc tranh cử này, cho tới khi một loạt sai lầm, cùng với tỷ lệ ủng hộ suy giảm, đã làm suy yếu sự dẫn đầu của đảng CDU. Trong khi đó, ông Olaf Scholz, ứng viên đảng Dân chủ Xã hội, với phong độ ổn định đã dẫn dắt đảng của ông "lội ngược dòng", khiến tỷ lệ ủng hộ tăng ngoạn mục 10 điểm. Đảng Xanh cũng dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận ban đầu nhưng sau đó đã không đáp ứng được kỳ vọng mặc dù vẫn ghi nhận kết quả tốt nhất từ trước đến nay.
Ngày 26/9, tỷ lệ ủng hộ đảng CDU đã giảm mạnh xuống dưới 30%, tiến đến mức tồi tệ nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên ở Đức, để thành lập một chính phủ liên minh sẽ cần có 3 đảng. Hai đảng CDU và SPD hiện đang có kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán cạnh tranh để thực hiện mục tiêu này.
Tại trụ sở của đảng SPD ở Berlin, những đám đông đã hô vang khi kết qủa bầu cử sơ bộ được thông báo. "SPD sẽ quay lại", Lars Klingbeil, Tổng thư ký đảng này tuyên bố với các thành viên trong đảng trước khi ông Scholz bước lên khán đài cùng vợ và khẳng định rằng: "Thủ tướng tiếp theo của Đức sẽ là Olaf Scholz".
Trong khi đó, tại trụ sở của đảng bảo thủ CDU, ông Laschet, ứng viên của đảng này tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để thành lập chính phủ".
Việc nói về "chiến thắng" của SPD và "thất bại" của CDU chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, hai đảng này cách biệt nhau chưa tới 2% và cả hai đảng này chỉ chiếm khoảng 50% tổng số phiếu trên toàn quốc, vừa đủ để thành lập một liên minh lớn. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình trước bầu cử, ông Scholz khẳng định rằng, nếu ông có cơ hội xây dựng chính phủ liên minh, ông muốn liên minh với đảng Xanh. Tuy nhiên SPD không thể thành lập chính phủ chỉ với riêng đảng Xanh. Họ vẫn cần thêm một đảng thứ ba để đủ điều kiện thành lập chính phủ.
Vượt qua “cái bóng” của Merkel hay trở thành Merkel 2.0?
Tình hình lộn xộn hiện nay có thể làm phức tạp thêm quá trình đàm phán thành lập chính phủ. Và bất kỳ ai trở thành Thủ tướng Đức thì người đó không chỉ có quyền hạn yếu hơn mà cũng còn có ít thời gian hơn dành cho việc lãnh đạo châu Âu, các nhà phân tích nhận định trên New York Times.
"Đức sẽ vắng mặt ở châu Âu một thời gian. Bất kỳ ai trở thành Thủ tướng đều có thể bị xao nhãng nhiều hơn bởi các vấn đề chính trị trong nước", Andrea Römmele, hiệu trưởng Trường Hertie ở Berlin cho hay.
Kết quả trên cũng đem tới ảnh hưởng đáng kể cho 2 đảng nhỏ hơn, gần như chắc chắn trở thành một phần của chính phủ mới: Đó là đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do. Ngoài ra, cách biệt sít sao trong kết qủa này cũng là minh chứng cho thấy các cử tri Đức dường như bị mất định hướng trước sự rời đi của Thủ tướng Merkel - một chính trị gia nổi tiếng nhất ở Đức. Thủ tướng Merkel đã đưa nước Đức đi qua thập kỷ vàng để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1980.
Trong khi Mỹ bị kéo vào những cuộc chiến tranh, Anh đặt cược tương lai vào cuộc trưng cầu dân ý rời EU và Pháp thất bại trong việc tự đổi mới, nước Đức dưới thời Thủ tướng Merkel vẫn là một quốc gia ổn định.
"Hiện nay, không dễ dự đoán những điều sẽ xảy ra tiếp theo. Sự hiện diện và danh tiếng của Thủ tướng Merkel là quá lớn và rất khó để cạnh tranh", ông Kleine-Brockhoff thuộc Quỹ Marshall Đức cho hay.
Điều đó giải thích tại sao cả 2 ứng viên tiềm năng nhất kế nhiệm bà Merkel chủ yếu đều đưa ra thông điệp tiếp tục, thay vì thay đổi những chính sách của bà Merkel và nỗ lực thể hiện rằng họ sẽ trở thành người giống với Thủ tướng sắp rời nhiệm sở này nhất.
"Cuộc bầu cử này về cơ bản là một cuộc cạnh tranh xem ai là người giống với bà Merkel nhất", ông Kleine-Brockhoff cho hay.
Thậm chí, ông Scholz, người thuộc đảng đối lập với đảng bảo thủ của bà Merkel, cũng tập trung vào vai trò bộ trưởng tài chính của ông trong chính quyền hiện nay, thay vì nhấn mạnh những quan điểm trong đảng của ông.
"Sự ổn định, chứ không phải thay đổi, chính là cam kết của ông ấy", ông Kleine-Brockhoff đánh giá.
Một số nhà phân tích bình luận, sự phân mảnh gia tăng trong chính trường Đức có thể đem lại bầu không khí mới cho nền chính trị nước này với nhiều tiếng nói hơn những rõ ràng, điều này cũng khiến việc lãnh đạo và ra quyết định trở nên khó khăn hơn khi mà Đức ngày càng giống giống các quốc gia khác ở châu Âu như Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan. Một chính trường hỗn loạn hơn sẽ làm quyền lực của Thủ tướng tiếp theo trở nên yếu hơn và những thách thức đang chờ đợi nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tăng lên./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN