Khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích xây dựng Nông thôn mới
Đánh giá qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, số xã đạt chuẩn nông thôn mới bảo đảm tiến độ. Đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 44/104 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đó, theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Sỹ Nguyên, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương còn nhiều hạn chế. Như việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm; chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công tác xóa đói giảm nghèo tuy có chuyển biến, nhưng chưa thật bền vững...
xã Thuỷ Bằng (Thị xã Hương Thuỷ) nhận bằng Nông thôn mới
Nguyên nhân được hội nghị chỉ ra là do chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa tập trung, quyết liệt, Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên; chú trọng về đầu tư hạ tầng mà chưa quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân; một số sở, ban ngành cấp tỉnh (và phòng ban đơn vị cấp huyện) chưa thực sự tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Công tác thông tin, tuyên truyền còn yếu nên nhiều nơi người dân chưa tích cực tham gia, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân…
Hội nghị đặt chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 54 xã, đạt tỷ lệ 51,9%. Trong đó thị xã Hương Thủy đạt 100%, huyện Quảng Điền đạt 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến năm 2020 phấn đấu 61/104 xã, tương đương tỷ lệ 59% đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu toàn tỉnh có 08 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 16 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 40 vườn mẫu được công nhận; Có ít nhất 50% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt nông thôn mới. Đến năm 2021 có 250 hợp tác xã kiểu mới theo chỉ tiêu của Chính phủ giao.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, ông Phan Ngọc Thọ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng “Việc xây dựng nông thôn mới có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc; đây là việc làm thường xuyên và liên tục”. Ông xác định người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của chương trình. “Mục tiêu cao nhất và xuyên suốt khi làm nông thôn mới là cuộc sống người dân phải sung túc hơn, xã hội ở nông thôn yên bình hơn và chính quyền ở nông thôn thân thiện hơn. Đây là ba yếu tố cốt lõi phải hướng đến mà địa phương nào cũng cần phải lưu ý khi xây dựng nông thôn mới”
Sản phẩm nông thôn tiêu biểu
Để cuộc sống người dân được sung túc hơn, thu nhập cao hơn, ông lưu ý các địa phương và các ngành liên quan phải quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp. Đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất; phát triển sản phẩm có hiệu suất cao; chú trọng xây dựng các thương hiệu đặc sản nông nghiệp ở các vùng miền nông thôn và địa phương. Mỗi huyện, mỗi địa phương cần tìm ra một hướng đi phù hợp; xây dựng được các sản phẩm chủ lực của địa phương mình…
Trần Minh Tích