![Nước ngập một đoạn đường ở phường Vỹ Dạ, Huế trưa 23.10.2021 Nước ngập một đoạn đường ở phường Vỹ Dạ, Huế trưa 23.10.2021](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/10/23/q-1634981074.jpg)
Nội dung công điện cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa phía Bắc rãnh thấp có trục qua Nam Trung Bộ và đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh dần nên từ ngày 22-25/10/2021 trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện một đợt mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt 150-350mm, có nơi trên 400mm, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vùng gò đồi, vùng núi, ngập úng khu vực thấp trũng ven biển, đầm phá, các khu đô thị. Vùng biển có gió mạnh, biển động.
Dự báo, mực nước trên sông Hương tại Kim Long và sông Bồ tại Phú Ốc có khả năng lên trên báo động II, đến trên báo động III, các sông khác trong tỉnh sẽ dâng cao, khu vực ven biển mức triều khá cao làm chậm khả năng thoát lũ và gây ngập úng kéo dài. Tình hình mưa lớn có thể tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến ngày 28/10/2021.
![Tổ 13 phường Vỹ Dạ, Huế Tổ 13 phường Vỹ Dạ, Huế](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/10/23/s-1634981059.jpg)
Để chủ động triển khai ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất,hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức triển khai sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị trọng điểm:
Các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối; thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông; khu vực đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc; khu vực huyện A Lưới; sông Thượng Nhật huyện Nam Đông; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng; sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà; dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường 71qua huyện Phong Điền, đường tỉnh lộ 14 qua huyện Nam Đông, đường cao tốc La Sơn- Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Giao trách nhiệm các sở ban ngành, các địa phương chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hồ chứa; dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu; kiểm tra, vận hành hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện dự phòng; chỉ đạo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên tại các nhà máy; có phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, công trình và an toàn vùng hạ du; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, các tuyến đường vào các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công,đặc biệt là công trình ven biển, ven song có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất; bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.
Minh Tích