Phát biểu chào mừng tại hội thảo, ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long nhấn mạnh: Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của tỉnh, TP. Hạ Long còn là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, tự hào sở hữu Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và trên 95 di tích lịch sử văn hóa. Việc nhập huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long giúp mở rộng không gian phát triển của thành phố, cộng hưởng cả thế mạnh biển - đảo, làm tiền đề cho Hạ Long trong định hướng trở thành đô thị di sản từ nguồn tài nguyên văn hóa, con người trong giai đoạn phát triển mới.
Thời gian qua, dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản đã là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc phát huy các di sản văn hóa địa phương, Di sản Vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh, nhất là tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xu thế phát triển trong kỷ nguyên mới, TP. Hạ Long đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, thành phố “Kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới, sáng tạo; thành phố di sản của hoa và lễ hội”; dựa trên 4 trụ cột: Du lịch - dịch vụ; công nghiệp; Nông nghiệp; Văn hóa và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp.
Mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế, với một chiến lược phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn, cùng với tầm nhìn và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo; giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi hóa của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh được thể chế hoá, tích hợp và hội tụ; với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương; với tư duy tầm nhìn toàn cầu, trách nhiệm quốc gia và hành động địa phương. Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ hóa giải bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Hạ Long.
Với tầm quan trọng đó, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau, với gần 50 bài tham luận. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú; đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung.
Thảo luận trực tiếp tại phiên thứ nhất của hội thảo, các đại biểu tiến hành tham luận với chủ đề: “Định vị TP Hạ Long trở thành đô thị di sản trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để gợi mở cho Hạ Long phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế riêng có trong sự phát triển kinh tế vùng, khu vực và quốc tế.
Tại phiên thứ hai, các đại biểu đã thảo luận, toạ đàm, tham vấn ý kiến về 2 chủ đề chính: “Hạ Long nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng, quốc gia và toàn cầu” và “Phát huy giá trị ngoại hạng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho thúc đẩy kinh tế di sản”.
Ở phiên thứ hai, các đại biểu đã làm rõ một số nội dung về mô hình kinh tế di sản; kinh tế di sản Hạ Long trong kỷ nguyên mới; tầm nhìn quy hoạch đô thị Hạ Long theo hướng xanh, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh…
Hội thảo khoa học “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP. Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới. Việc gắn phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, với kinh tế di sản là một định hướng chiến lược trong phát triển bền vững TP. Hạ Long, có nhiệm vụ quan trọng vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị to lớn của di sản vịnh Hạ Long.
Các ý kiến tham gia hội thảo là những kinh nghiệm hết sức quý báu, tâm huyết để TP Hạ Long đảm bảo chất lượng, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, mang tính khách quan, phân tích chuyên sâu về điều kiện thực tiễn; có nhiều gợi ý, tham vấn, khuyến nghị, giải pháp khả thi giúp thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu trước những rào cản, thách thức từ bên ngoài của nền kinh tế, nhất là việc tái thiết thành phố Hạ Long sau cơn bão số 3.
Đồng thời, làm rõ những vấn đề lý luận, thu nhận thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích từ các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp để tiếp tục gợi mở hướng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố theo đúng mục tiêu Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040.
Hội thảo cũng làm cơ sở tổng kết thực tiễn 40 năm thực hiện đường lối mới của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội TP. Hạ Long để định hướng cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2025-2030 và thực hiện lộ trình gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Trần Trang (t/h)