Bức tranh tài chính của thương hiệu Mai Quyền

Thương hiệu Mai Quyền - Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền - là một thương hiệu lớn ở Quảng Ninh. Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền (Công ty Mai Quyền) là chủ đầu tư của dự án biến hòn đảo thành 'hòn non bộ' tại Quảng Ninh gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Theo đó, Công ty Mai Quyền được thành lập vào tháng 08/2000 với trụ sở chính tại thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Chủ sở hữu kiêm tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Tạ Đức Quyết (sinh năm 1958). Ngoài ra, ông Quyết còn là người đại diện theo pháp luật các Công ty như Everland Vân Đồn và Vân Đồn Heritage Road.

"Hòn non bộ" gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Tài sản của Mai Quyền liên tục tăng, giảm trong 03 năm gần đây. Từ mức gần 1.280 tỷ năm 2019, tài sản của doanh nghiệp giảm xuống còn 700 tỷ vào năm 2020, rồi lại vọt tăng lên 1.190 tỷ vào năm 2021.

Nhìn vào bảng cân đối kế toán có thể thấy các sản phẩm của thương hiệu Mai Quyền không "chạy hàng" trong 03 năm qua. Giá trị hàng tồn kho của Mai Quyền tăng gần gấp đôi, từ 279 tỷ đồng (2019) lên 395,5 tỷ đồng (2020) và gần 540 tỷ đồng (2021).

Trong giai đoạn 2019 – 2021, Mai Quyền cũng tăng cường đầu tư tài chính vào công ty con và công ty liên doanh, liên kết. Các khoản đầu tư này có giá trị 33 tỷ vào năm 2019, rồi tăng lên 122,5 tỷ vào 2020. Tính đến tháng 12/2021, khoản đầu tư này là 262,5 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Mai Quyền trong 03 năm qua cũng thăng giáng liên tục, từ mức gần 1.100 tỷ đồng vào năm 2019, vốn chủ của doanh nghiệp giảm xuống còn 650 tỷ vào năm 2020, rồi lại tăng lên gần 1.050 tỷ vào năm 2021. Nợ phải trả của Mai Quyền trong giai đoạn 2019 – 2021 lần lượt ở mức: 186,4 tỷ; 50,1 tỷ và 141,6 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Mai Quyền trong 02 năm 2020 - 2021 được cải thiện khá tốt. Năm 2019, doanh thu thuần doanh nghiệp chỉ vọn vẹn hơn 6,5 tỷ đồng nhưng giá vốn bán hàng lại treo 8,3 tỷ. Khoản doanh thu này không giúp Mai Quyền bù đắp được các chi phí và kết quả là doanh nghiệp báo lỗ gần 3,8 tỷ đồng trong năm này.

Sang năm 2020, doanh thu của Mai Quyền vọt tăng lên 126,5 tỷ đồng và năm 2021 là 304 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau 03 năm, doanh thu của công ty đã tăng trưởng hơn 50 lần.

Sau khi trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp còn lại của Mai Quyền trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 92,5 tỷ và 233,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp báo lãi 88,1 tỷ đồng vào năm 2020 và 182 tỷ đồng vào năm 2021.

Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Mai Quyền chính là vấn đề dòng tiền kinh doanh. Dòng tiền này biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp cho thấy trong giai đoạn 2019 – 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ dương vào năm 2019, còn 02 năm sau đó đều rơi vào tình trạng âm ngày một nặng, lần lượt âm 45,3 tỷ đồng vào năm 2020 và âm hơn 120 tỷ đồng vào năm 2021.

Thương hiệu Mai Quyền “đồng hành” cùng loạt dự án bất động sản Vân Đồn như thế nào?

Sau khi hoàn thành hạ tầng dự án Ao Tiên, Công ty Mai Quyền tiếp tục phối hợp cùng các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện một số dự án thành phần tại khu đô thị này. Đó là 02 dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn và tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn đã được UBND tỉnh Quảng Ninh trao quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 04/2022.

Dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có diện tích 2,6ha, tổng vốn đầu tư 3.612 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần EverLand Vân Đồn - công ty liên doanh giữa Công ty cổ phần Đầu tư EverLand (HoSE: EVG) và Mai Quyền.

Ban đầu, cơ cấu cổ đông EverLand Vân Đồn gồm có Công ty Mai Quyền (35%), EVG (60%) và ông Tạ Đức Quyền (5%). Hơn 1 năm sau, EVG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại EverLand Vân Đồn xuống 5,692% và Công ty Mai Quyền chính thức trở thành công ty mẹ EverLand Vân Đồn khi nắm 82,519%; cá nhân ông Quyền cũng tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này lên 11,788%.

Với tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn, dự án có diện tích 2,3ha, tổng vốn đầu tư 3.910 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Mai Quyền và Công ty cổ phần Cát Linh Vân Đồn.

Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên – Cát Linh Vân Đồn
Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên – Cát Linh Vân Đồn.

Ngoài ra, Mai Quyền còn là chủ bến cảng cao cấp Ao Tiên – Vân Đồn, dự án khác nằm tại Ao Tiên.

Theo tìm hiểu, bến cảng này được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020 với quy mô diện tích 29,21ha, tổng vốn đầu tư 613,3 tỷ đồng; công suất khi vận hành tối đa đạt khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm; mục tiêu đón tàu chở khách du lịch lên tới 300 ghế.

Hiện bến cảng này đang triển khai thi công cơ bản hoàn thành, dự kiến khánh thành trong quý III và hoàn thành đồng bộ hệ thống giao thông. Mục đích để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, thay thế Cảng Cái Rồng hiện đã xuống cấp.

Ngày 30/04/2022, tại Khu đô thị Ao Tiên, Vân Đồn, Quảng Ninh, lễ khởi công 02 dự án nghỉ dưỡng lớn đã được triển khai.

Trong đó gồm dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn do liên danh Everland - Mai Quyền làm chủ đầu tư có vốn 3.612 tỷ đồng và dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên Cát Linh do liên danh Cát Linh Group - Mai Quyền làm chủ đầu tư có vốn 3.910,8 tỷ đồng.

Cũng theo tài liệu, doanh nghiệp dự án giữa liên danh Mai Quyền - EverLand là Công ty cổ phần EverLand Vân Đồn. Ban đầu Everland nắm 60% Everland Vân Đồn, Mai Quyền nắm 35% và cá nhân ông Tạ Đức Quyền 5%, nhưng sau đó cơ cấu cổ đông thay đổi khi Mai Quyền nắm hơn 85,5%, Everland chỉ còn hơn 5,7% và ông Tạ Đức Quyền hơn 11,7%.

Theo tìm hiểu, Mai Quyền chính là Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ao Tiên có diện tích lên tới 115ha. Doanh nghiệp địa phương này đã và đang hợp tác với các nhà đầu tư thứ cấp để triển khai các dự án thành phần tại KĐT Ao Tiên.

Ghi nhận tại thời điểm sau gần 04 tháng từ lễ khởi công, trái ngược với dự án Everland đã ký kết với nhà thầu Delta và hiện đang rầm rộ triển khai, đẩy mạnh thi công thì khu đất 2,34ha ở dự án Ao Tiên Cát Linh chỉ mới được quây tôn, không có dấu hiệu của nhân công, máy móc.

Khu Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ khách sạn Ao Tiên Cát Linh chỉ mới được quây tôn, không có dấu hiệu của nhân công, máy móc. Nếu tính từ thời điểm dự án được chấp thuận đầu tư vào tháng 12/2020 thì quãng thời gian chậm trễ này còn lâu hơn?

Được kỳ vọng lớn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, dự án này sẽ là tổ hợp khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và căn hộ lưu trú cao cấp đầu tiên được cấp phép triển khai trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo lịch dự kiến đi vào hoạt động tháng 01/2024, nếu không phải gia hạn, liên danh Cát Linh - Mai Quyền chỉ còn 14 tháng để hoàn thành dự án.

Tại dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên Cát Linh, không chỉ là nhà đầu tư thứ cấp, mà Cát Linh Group còn là nhà thầu xây dựng của dự án. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, và phụ thuộc lớn vào mức độ nghiêm túc cũng như tiềm lực tài chính của nhà đầu tư thứ cấp - Cát Linh Group.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề liên quan đến quy định lấn biển.

Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Nghị định quy định lấn biển, tại Công văn số 5353/VPCP-NN ngày 18/08/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề sau:

Rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai cho nhà đầu tư dự án lấn biển ngay sau khi được giao đất, cho thuê đất lấn biển khi đất lấn biển chưa hình thành (khoản 3, Điều 16).

Rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc đưa khu vực biển để lấn biển khi chưa hình thành đất lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (khoản 1, Điều 15 dự thảo Nghị định) và quy định việc quản lý, sử dụng khu vực biển này theo chế độ quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 3, Điều 15 dự thảo Nghị định); tính đồng bộ thống nhất với các quy hoạch có liên quan khi đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Xem xét tính hợp lý của việc quy định 02 cấp có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển (Điều 9). Việc phân cấp phải kiểm soát được bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và công cụ kiểm tra.

Làm rõ khái niệm, các cơ sở và cách xác định đất có mặt nước ven biển quy định tại Điều 140 Luật Đất đai 2013.

Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, đưa ra Thường trực Chính phủ thảo luận, cho ý kiến.

Khánh Quyên