Theo đó, để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, chủ động trước các tình huống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) có thể xảy ra và thực hiện Công điện số 44/CĐTTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành Văn bản số 1021/UBND-VX yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); Chủ tịch UBND các cấp - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP chịu trách nhiệm về đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Sở Y tế chủ động tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố triển khai công tác bảo đảm ATTP, các biện pháp phòng ngừa, phương án xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố. Triển khai các giải pháp bảo đảm ATTP thuộc ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Chú trọng việc bảo đảm ATTP, phòng ngừa NĐTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; bếp ăn tập thể; cơ sở chế biến đồ ăn, thức uống ăn ngay; bảo đảm ATTP tại các khu du lịch, lễ hội, sự kiện có tổ chức hoạt động ẩm thực; bảo đảm ATTP tại căng tin, nhà ăn tại các bệnh viện và cơ sở y tế…
Đẩy mạnh công tác thông tin, phổ biến kiến thức ATTP liên quan đến phòng ngừa, phát hiện, xử lý NĐTP; nâng cao kiến thức cho cộng đồng trong việc nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng của NĐTP và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, cấp cứu, điều trị kịp thời khi có biểu hiện nghi ngờ NĐTP; sẵn sàng phương án xử lý tình huống NĐTP hàng loạt trong cộng đồng; duy trì hệ thống tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm từ cơ sở để tiếp nhận, xử lý khi trên địa bàn có xảy ra NĐTP.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm ATTP thuộc lĩnh vực phân công quản lý. Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm ATTP đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy, hải sản; thực phẩm tươi sống; cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thịt ăn ngay… Chú trọng việc tuân thủ các điều kiện bảo quản, vận chuyển thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, sử dụng nước, đá ướp bảo quản thực phẩm không bảo đảm có thể làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.
Sở Công Thương bảo đảm ATTP lĩnh vực được phân công quản lý. Triển khai các giải pháp bảo đảm ATTP tại các chợ, trung tâm thương mại đầu mối cung cấp thực phẩm; các cơ sở sản xuất đồ uống; cơ sở sản xuất bánh từ bột; các hội chợ hoạt động thương mại có bày bán, kinh doanh thực phẩm.
Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức ATTP trong cộng đồng. Chú trọng nâng cao kiến thức trong việc lựa chọn thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; cách chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, đặc biệt trong điều kiện mùa hè nắng nóng; việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến thực phẩm, thực hành tốt vệ sinh cá nhân, trang phục bảo hộ lao động trong quá trình chế biến; đảm bảo nguồn nước sạch trong chế biến; đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuân thủ quy định về kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn…
UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; các cửa hàng, quầy hàng bán đồ ăn ngay tại cổng các trường học.
Chú trọng kiểm soát các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm về nguồn gốc, xuất xứ đối với thực phẩm bao gói sẵn; nguồn gốc nguyên liệu, gia vị, phụ gia dùng chế biến; đủ nước sạch chế biến thực phẩm, rửa dụng cụ, rửa tay, đá sạch dùng liền; người chế biến thức ăn sẵn sử dụng đầy đủ khẩu trang, găng tay; dụng cụ, bao bì chứa đựng trực tiếp thực phẩm…
Giao các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối và sử dụng thực phẩm theo chuỗi; tập trung kiểm soát các cơ sở thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao; đảm bảo truy xuất nguồn gốc khi xảy ra sự cố an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, tăng cường kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định bảo đảm ATTP, đối với các cơ sở có vi phạm về ATTP có biện pháp chấn chỉnh nghiêm khắc, xử lý nghiêm các vi phạm, dừng hoạt động theo quy định của pháp luật.
Quỳnh Nga(t/h)