Thánh địa Mỹ Sơn, cách TP. Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam, cách TP. Hội An khoảng 40 km, là tổ hợp đền đài Chăm Pa, nằm trong một thung lũng rộng khoảng 2 km, bao quanh là đồi núi trập trùng. Đây là điểm tham quan không thể bỏ qua của khách thập phương khi đến với tỉnh Quảng Nam.
Sau một đoạn đường núi rồi men theo con đường lát đá với những hàng cây dẫn lối, đưa khách thập phương đến với khu đền đài cổ Chăm Pa. Có thể bạn đã chiêm ngưỡng những gì ở Nha Trang, Ninh Thuận hay Bình Thuận, những tháp Chăm mang đậm văn hóa truyền thống của người Chăm. Nhưng đứng trước quần thể Thánh địa Mỹ Sơn, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp trước những di tích mang đậm dấu ấn thời gian ở nơi đây.
Theo nhiều giả thuyết, Thánh địa Mỹ Sơn, có thể bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ IV và trong thời gian dài, các vị vua cho xây thêm các ngọn tháp khác, tạo thành một quần thể trong khu di tích. Ngoài các đền đài để hành lễ, nơi đây cũng là địa điểm chôn cất các vị vua, hoàng thân quốc thích và các thầy tu quyền lực của người Chăm.
Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Thánh địa Mỹ Sơn, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Ngày nay, Thánh địa Mỹ Sơn tuy vẫn còn đó, nhưng một số công trình chỉ còn là phế tích trầm mặc, mang đậm dấu ấn thời gian.
Theo dòng thời gian bao thế kỷ và sự tàn phá của chiến tranh, những di tích còn lại ở Thánh địa Mỹ Sơn đều nhuốm màu mưa nắng. Những tường gạch, đá đen xỉn, cỏ mọc, rêu phong bám đầy. Có những tháp, cỏ mọc bao trùm càng tăng thêm sự kỳ bí của những công trình lưu giữ ký ức một thời của dân tộc Chăm.
Các đền tháp trong Thánh địa Mỹ Sơn, được xây dựng bằng gạch nung và đá sa huỳnh. Những gì còn lại của các đền tháp, đều chứng tỏ quá khứ huy hoàng một thời của người Chăm. Các đền tháp được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ, hoặc công trình phụ.
Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru - trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra, còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.
Dẫu thời gian - đã làm nhiều khu tháp trong Thánh địa Mỹ Sơn trở thành phế tích, nhưng các hiện vật điêu khắc và những kiến trúc còn lại đến ngày nay, vẫn giữ được mỹ thuật của dân tộc Chăm. Những hình ảnh điêu khắc như các con vật, vũ nữ Apsara, thần Siva vẫn còn lại, rất rõ ràng như trầm tĩnh ưu tư theo tháng ngày.
Tuy Thánh địa Mỹ Sơn mang dáng vẻ u tịch, trầm mặc, nhưng đứng trong không gian vắng lặng, bạn sẽ càng thấy dấu vết của các công trình, hình ảnh một nền văn minh từ bao thế kỷ đã nhạt nhòa, nhưng vẫn có sức cuốn hút lạ thường.
Giờ đây, Thánh Địa Mỹ Sơn tuy không còn nguyên vẹn, song tất cả vẫn đượm màu văn hóa cổ xưa; vẫn còn đó những hình ảnh và âm thanh vang vọng từ quá khứ, thể hiện qua những giai điệu và vũ điệu của dân tộc còn gìn giữ đến tận ngày nay.
Đừng bỏ qua cơ hội một lần được chạm tay vào quá khứ, cùng hòa mình vào những điệu múa Siva đầy huyền bí để tâm hồn được lắng lại và bình an…
Hữu Hoàng