THCL - Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đang là cái tên rất thu hút sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế.
Từ khi được bổ nhiệm, bà Inada liên tục tạo ra những hiệu ứng mới, thể hiện vai trò ngày càng lớn của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Với quan điểm cứng rắn và bảo thủ, bà Inada đã khiến cho Bắc Kinh phải nổi giận khi đồng ý cùng Mỹ tăng cường tuần tra trên Biển Đông. Bà Inada cũng thế hiện sự cứng rắn và quyết liệt trong phản ứng với hành động ương ngạnh của Bình Nhưỡng.
Người tiền nhiệm của bà, cựu Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani vốn cũng là người có quan điểm cứng rắn với chủ trương đánh phủ đầu trước khi đối thủ kịp gây hại cho Nhật Bản. Và điều đó khiến cho Bắc Kinh rất bận tâm.
Có vẻ bà Inada còn cứng rắn và quyết liệt hơn. Chỉ hơn 1 tháng kể từ khi được bổ nhiệm, bà đã khiến cả đồng minh và đối thủ của nước Nhật phải dè chừng. Nhiều nhận định cho rằng Tomomi Inada đang là bông hồng quyền lực của Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada duyệt đội danh dự. Ảnh : Reuters
Truyền thông phương Tây cho rằng bà Inada được xem là người kế nhiệm lý tưởng của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, có ý kiến đánh giá việc bổ nhiệm bà Inada vào chức Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản là một nước cờ chính trị có tính toán của ông Abe.
Bà Inada chỉ là một quân cờ bình thường trong ván cờ chính trị của Thủ tướng Abe. Cho dù nổi bật nhất trong "bộ ba phụ nữ quyền lực" Nhật Bản hiện nay, song thực ra ảnh hưởng của bà Inada đang nằm ở vị thế thấp nhất.
Quân cờ để Shinzo Abe thăm dò Mỹ
Để đảm bảo ngăn chặn chiến tranh đối với Nhật Bản, Hiệp ước an ninh và hợp tác Mỹ - Nhật được ký kết năm 1960 và đến năm 1970 thì được tu chính với hiệu lực vĩnh viễn.
Công cụ pháp lý quan trọng này đã giúp nước Nhật đã được ổn định, chính quyền Tokyo có thể tập trung được mọi nguồn lực cho phát triển đất nước và mở ra thời kỳ phát triển vượt bậc - chính là "Nhật Bản thần kỳ" trong lịch sử nhân loại.
Song cũng từ Hiệp ước đó quan trọng đó mà dường như chính giới Nhật Bản luôn như bị một rào cản vô hình bao quanh. Giá trị của công cụ pháp lý trên được xem là "cây gậy" của Washington dùng để đe nẹt mọi sự trỗi dậy của Tokyo vượt quá lằn ranh quy ước.
Khi những thế hệ sinh ra sau Thế chiến II lên nắm quyền tại đất nước mặt trời mọc thì những công cụ pháp lý lại chính là "vòng kim cô" đối với đất nước Nhật Bản, do đó có khả năng họ sẽ nung nấu ý định thoát ra. Thủ tướng Shinzo Abe là người thể hiện rõ nhất quan điểm ấy.
Chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) đưa ông Abe nắm giữ ghế Thủ tướng Nhật lần thứ hai vào năm 2012 là cơ hội tốt để thực hiện ý nguyện của ông.
Việc LDP thắng lớn trong cuộc bầu cử lại 1/2 Thượng viện hồi tháng 7/2016 đã giúp liên minh cầm quyền có 2/3 số ghế để có thể tu chính Hiến pháp.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi trên chính trường Nhật Bản theo chiều hướng có lợi cho ý định của Thủ tướng Shinzo Abe đều được xem là nguy hại với Washington trong việc kiềm chế và giám sát Tokyo. Và nó trở thành nguy cơ với sự nghiệp của ông Abe.
Để an toàn cho kế hoạch dài hơi của mình, Thủ tướng Abe lựa chọn phương án điều chỉnh các quân cờ trong bàn cờ chính trị của Nhật Bản. Việc liên tục bổ nhiệm những quan chức có tư tưởng "diều hâu" đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản là những nước cờ chính trị của ông.
Các Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Abe thể hiện quan điểm cứng rắn với đối thủ, cho phép Thủ tướng Nhật "lượng hoá" nguy cơ từ người bạn lớn ở bên kia Thái Bình Dương.
Do vậy, ông Gen Nakatani trước đây hay bà Tomomi Inada có thể là những quân cờ trong kế hoạch lâu dài của Thủ tướng Abe. Những quân cờ được sử dụng bao lâu, như thế nào, phụ thuộc vào ván cờ của ông.
Sự cứng rắn của bà Tomomi Inada có tạo hiệu ứng ngược với Tokyo?
Với việc ràng buộc Nhật Bản bằng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Washington đã miễn nhiễm sự ảnh hưởng bởi cạnh tranh nước lớn với Tokyo. Điều đó khiến Tokyo không dễ dựa vào nguy cơ bị đe doạ để tăng cường sức mạnh quân sự vượt ngưỡng.
Bởi lẽ, mọi kích hoạt tấn công hướng vào nước Nhật đều phải gặp sự đáp trả của sức mạnh Mỹ trước khi gây hại cho nước Nhật. Có thể hiểu rằng Triều Tiên, Trung Quốc hay một quốc gia thứ ba nào đó muốn gây hại cho người Nhật thì phải "bước qua xác" của người Mỹ.
Có thể thấy Washington đã tạo ra công cụ hữu hiệu kiềm chế sự trỗi dậy của Tokyo khiến cho nước Nhật chỉ có thể là cường quốc kinh tế chứ không thể là siêu cường quân sự. Nhật Bản có thể thách thức Mỹ về kinh tế, song về quân sự thì luôn nằm trong sự bảo trợ của Washington.
Trong nội dung Hiệp ước có đảm bảo sự độc lập trong hành động của Tokyo. Khoản 2 của Hiệp ước quy định trong việc nhằm đảm bảo an ninh cho mình, nước Nhật có thể tự hành động hoặc phối kết hợp với Mỹ.
Song Hiến pháp lại vô hiệu hoá ngay điều này. Hiến pháp Nhật Bản được tướng MacArthur, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nhật thời điểm đó, chủ trì soạn thảo theo ba nguyên tắc, trong đó nguyên tắc thứ 2 đã tước bỏ vĩnh viễn sức mạnh quân sự của Nhật. Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản ghi:
(1) Nhân dân Nhật Bản hy cầu một nền hòa bình thế giới lấy chính nghĩa và trật tự làm nền tảng tư tưởng cơ bản, vĩnh viễn từ bỏ quyền lực nhà nước về việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
(2) Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nhật Bản sẽ không có Lục quân, Hải quân, Không quân cùng các lực lượng tham chiến khác. Nhật Bản không công nhận quyền giao chiến (với nước khác) của nước mình.
Như vậy, Tokyo muốn thể hiện sức mạnh quân sự thì phải tu chính Hiến pháp. Trong khi điều đó chưa thể thực hiện thì quan điểm cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada chỉ là mong muốn của Tokyo chứ chưa thể hiện thực hoá bằng động thái quân sự.
Những công cụ pháp lý như "vòng kim cô" của Washington bao quanh nước Nhật có thể khiến sự cừng rắn của bà Tomomi Inada gây hiệu ứng ngược với Tokyo. Ảnh : Japan Times
Tuy nhiên, sự cứng rắn của bà Inada nói riêng và của chính quyền Tokyo nói chung, có thể vô hại với các đối thủ nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực với nước Nhật. Tokyo càng thể hiện tham vọng tăng cường sức mạnh quân sự thì nguy cơ đối nước Mỹ càng lớn.
Điều đó khiến cho mũi tên mà Tokyo nhằm vào các đối thủ có thể bật ngược trở lại gây hại cho nước Nhật. Với tiềm lực thực tế của Nhật thì sự trỗi dậy của quân đội nước này đáng ngại với Mỹ hơn nhiều so với mối đe doạ bởi chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Không loại trừ khả năng, Mỹ đang cố gắng kiểm soát sự "bất kham" của Triều Tiên, đồng thời xem đó như công cụ để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn từ đồng minh chiến lược của mình.
Khó đánh giá Tomomi Inada là người kế nhiệm tiềm năng của Thủ tướng Abe
Trong tương lai, cơ hội để bà Inada ngồi vào ghế Thủ tướng Nhật không cao. Bởi lẽ, lịch sử chinh trị Nhật Bản thời hậu chiến không ghi nhận một Thủ tướng nào xuất thân Cục trưởng Cục phòng vệ trước đây hay Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay.
Với luật bất thành văn trong chính trường Nhật Bản thời hậu chiến, nếu chính phủ bị quốc hội bất tín nhiệm thì các thành viên trong nội các cũ được giới thiệu giữ chức Thủ tướng ưu tiên theo thứ tự là Bộ trưởng Tài chính, Chánh văn phòng Nội các, Bộ Trưởng Giáo dục.
Nếu thực hiện bầu cử lãnh đạo đảng chính trị để chuẩn bị cho tổng tuyển cử thì theo kết quả cho thấy hầu như không có Bộ trưởng Quốc phòng nào của Nhật Bản được bầu làm Chủ tịch đảng LDP cầm quyền.
Người gần đây có cơ hội nhất là cựu Bộ trường Quốc phòng Shigeru Ishiba đã thất bại trước đương kim Thủ tướng Shinzo Abe. Có thể bà Tomomi Inada sẽ làm thay đổi luật bất thành văn ấy, song với vị thế của bà, điều đó khó xảy ra.
Người dân Nhật Bản e ngại bất ổn cho đất nước và cuộc sống của họ, vốn đã bị đe doạ thường xuyên bởi thiên tai khắc nghiệt. Vì vậy, những cá nhân có thể ảnh hưởng đến tình hình ổn định của đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong các cuộc tổng tuyển cử.
LDP và Shinzo Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử lại 1/2 Thượng viện hồi tháng 7/2016 là nhờ chiến dịch tranh cử tập trung vào công bằng thu nhập lao động và không đưa việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp vào chương trình hành động ưu tiên của chính phủ.
Tuy nhiên, những gì Nội các của ông Abe thực hiện sau chiến thắng đó cho thấy Thủ tướng Nhật đã có thay đổi lớn. Do vậy, chiến thắng khó lặp lại với ông, và cơ hội cho bà Inada càng ít đi.
Theo Ngọc Việt - SOHA