Trong bài “Điện gió Việt Nam, hàng loạt nhà đầu tư bỏ chạy“ (VnExpress , 07.10.2014), tác giả đã phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan đưa tới những cơn “sốt nóng” và “sốt rét“ cho ngành điện gió Việt Nam.  Ba lý do chính khiến cho „hàng loạt nhà đầu tư bỏ chạy” là :

Chi phí cho thiết bị điện gió quá cao : Theo bài báo, “…chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD cho 1 MW điện gió và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD cho 1 MW điện gió”.

Giá thu mua điện của EVN quá thấp. “… giá bán cho EVN hiện nay là 7,8 UScent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng….”

Tiềm năng điện gió quá nhỏ. Theo bài báo “…sau quá trình khảo sát, mới biết thực tế tiềm năng điện gió của Việt Nam chỉ bằng chưa tới 2% so với dự tính của WB, và không phải vùng nào cũng xây được nhà máy điện gió…”.

Giá 2 triêu USD cho 1MW là bình thường nếu mua thiết bị từ Mỹ. Thời gian qua tập đoàn WindForce International - CHLB Đức đã nhận lời giao hàng tại cảng Việt Nam cho Công ty Cổ phần Điện Gió Tây Nguyên với giá 1,1 triệu EURO, tương đương 1,44 triệu USD / 1MW nếu mua thiết bị đồng bộ. Giá có thể giảm tới 30% trong trường hợp sản xuất tháp trụ và các cấu kiện kích thước lớn tại Việt Nam, vì khi đó chi phí sản xuất và vận chuyển sẽ giảm rất nhiều. Tính chung cả chi phí cho thiết bị và xây lắp, giá đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với các trường hợp nhập thiết bị từ Mỹ.

Nhiều ngân hàng của Liên Minh Châu Âu rất chú trọng việc cho vay vốn để phát triển các công trình năng lượng tái tạo. Lãi suất phải trả khi vay vốn từ các ngân hàng Châu Âu hiện nay đang ở mức thấp nhất. Riêng tại Đức, từ tháng 11.2014 có những ngân hàng cho vay vốn bất động sản với lãi suất 1,35% /1 năm. Đương nhiên trong mọi trường hợp phía người vay đều cần chứng minh được khả năng thu hồi vốn và được bảo lãnh để trả cho ngân hàng trong mọi trường hợp.

Giá thu mua điện gió của EVN trước đây là 3,9 UScent/1kWh, từ năm 2011 đã nâng lên 7,8 UScent/kWh. Tuy nhiên đối với điện gió đây vẫn là giá thấp nhất so với các nước. Với giá này nhà đầu tư khó có thể chứng minh được với các ngân hàng Châu Âu về khả năng thu hồi vốn.  Nếu giá thu mua điện gió lên tới 10,5 UScent/1kWh thì việc vay tiền của các ngân hàng Châu Âu hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực, đồng thời làn sóng xin đầu tư ào ạt vào điện gió ở Việt Nam như năm 2012 năm lại xuất hiện.

“….Vào năm 2001, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) từng công bố một nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, tương đương 513.360 MW, tức là gấp hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020. Đó chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cả nước ngoài lẫn trong nước từng “sốt nóng” với điện gió tại Việt Nam. Thế nhưng, sau quá trình khảo sát, mới biết thực tế tiềm năng điện gió của Việt Nam chỉ bằng chưa tới 2% so với dự tính của WB, và không phải vùng nào cũng xây được nhà máy điện gió…”

Con số 513.360 MW có thể là một ước tính lạc quan và chưa chính xác, nhưng nếu nói  “tiềm năng điện gió của Việt Nam chỉ bằng chưa tới 2% so với dự tính của WB” thì quá bi quan. Các kết quả khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện gió Việt Nam (VIWICO, cho thấy có nhiều địa phương ở Việt Nam tốc độ gió trung bình đạt tới trên 7 m/s, là tốc độ rất phù hợp để khai thác điện gió. Tại CHLB Đức tốc độ gió trung bình trên 5 m/s chỉ tồn tại ở một vài vùng nhỏ ven biển, nhưng các nhà máy điện gió vẫn được dựng lên ở khắp nơi trên nước Đức và hoạt động rất có hiệu quả. Năm 2013 sản lượng điện gió của Đức đã đạt tới 34.250 kWh, đứng thứ 3 trên thế giới.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng những triển vọng của ngành điện gió Viêt Nam là rất lớn. Điều cần thiết là các nhà đầu tư cần xác định vị trí đặt nhà máy điện gió hợp lý và chọn đúng loại thiết bị có hiệu suất cao, đồng thời với việc ban hành giá thu mua điện hợp lý hơn từ phía Nhà nước. .

Tiến sỹ Nguyễn Thế Việt