THCL - Một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất ở Trung Quốc hiện nay, là liệu nước này có nên điều chỉnh mức tăng trưởng xuống còn 6% trong năm 2017 để thực hiện các cải cách giảm nợ và đối phó với các nguy cơ của nền kinh tế hay không.
Chính phủ và các nhà kinh tế Trung Quốc đang đón nhận những kết quả trong báo cáo tăng trưởng quý 3/2016 vừa được công bố với một sự khác biệt nhất định. Với mức tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức 6,7% trong quý 3 (mức tăng trưởng 2 quý đầu năm của Trung Quốc đều là 6,7%), nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gần như chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra từ 6,5-7% trong năm 2016, và cú hat-trick kinh tế này có thể xem như một dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang rất ổn định. Tuy nhiên, nó lại đang vấp phải sự phản đối của không ít các nhà kinh tế trong nước khi cho rằng cái giá để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định gần 7% hiện nay là sự chậm trễ trong việc tiến hành các cải cách cần thiết.
Một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất ở Trung Quốc hiện nay, là liệu nước này có nên điều chỉnh mức tăng trưởng xuống còn 6% trong năm 2017 để thực hiện các cải cách giảm nợ và đối phó với các nguy cơ của nền kinh tế hay không.
Có thể nói, mức tăng trưởng 6,7% trong quý 3/2016 vừa được công bố của kinh tế Trung Quốc đang thổi bùng lên một cuộc tranh luận dữ dội ngoài dự đoán. Một số nhà cố vấn của chính phủ cho rằng, cái giá để đạt được mức tăng trưởng bình quân 6,7% trong 3 quý đầu năm là quá đắt, khi để đạt được nó chính phủ Trung Quốc đã phải tiến hành các biện pháp kích thích tăng trưởng tốn kém chi phí và làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế nước này ở thời điểm hiện tại: bong bóng tín dụng và bất động sản. Nói cách khác, để có được mức tăng trưởng đạt mục tiêu đặt ra từ 6,5-7%/năm giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc đã phải chấp nhận trì hoãn giải quyết các nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế như nợ quốc gia và sự bất ổn tại một loạt các lĩnh vực chủ chốt như ngân hàng và bất động sản.
Sự lo ngại của các cố vấn chính phủ và chuyên gia kinh tế Trung Quốc là có cơ sở. Tính đến cuối năm 2015, nợ của Trung Quốc đã đạt mức 250% GDP so với mức 150% GDP trước đó khoảng một thập niên. Một cảnh báo được đưa ra bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) trong tháng 9 vừa qua, rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đối với hệ thống ngân hàng trong vòng 3 năm tới mà nguyên nhân là do nợ của nước này, nếu như không tiến hành các cải cách cần thiết. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo Trung Quốc nên từ bỏ việc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng hằng năm vì nó thường kéo theo các biện pháp kích thích tăng trưởng có chất lượng thấp.
Nói cách khác, bản chất vấn đề của kinh tế Trung Quốc hiện nay là mức tăng trưởng mục tiêu 6,5-7%/năm giai đoạn 2016-2020 mà chính phủ đặt ra hiện nay là quá cao so với tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. IMF dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 sẽ chỉ đạt khoảng 6,6% và giảm xuống còn khoảng 6,2% vào năm 2017. Sở dĩ mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 được ấn định ở mức 6,5-7%/năm là vì chính phủ Trung Quốc muốn đến năm 2020 GDP và thu nhập bình quân đầu người ở nước này sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2010, vốn được xem là điều kiện tiên quyết để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tiêu dùng nội địa. Để thực hiện mục tiêu có phần duy ý chí này, nền kinh tế Trung Quốc đang phải bỏ ra nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong khi các nguy cơ về nợ, bong bóng tài chính và bất động sản thì lại không được giải quyết.
Điều này đang dẫn đến việc, một số cố vấn chính phủ đã đưa ra đề xuất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2017 thành “khoảng 6,5%” thay vì “từ 6,5-7%”. Một số khác thì đề xuất điều chỉnh xuống còn từ 6-6,5%. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng chỉ khoảng 6% trong năm 2017 để có thể mở rộng không gian cho các cải cách sâu rộng trong nền kinh tế trước những nguy cơ về nợ quốc gia và một loạt các lĩnh vực trọng yếu. Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, nước này sẽ đẩy mạnh các cải cách cần thiết từ nay đến năm 2020, nhưng có vẻ như nguy cơ đang lớn hơn dự kiến và buộc các cố vấn phải đưa ra đề xuất giảm mục tiêu tăng trưởng để cải cách nền kinh tế ngay trong năm 2017 tới.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% xuống còn khoảng 6% ngay trong năm 2017 là không hề dễ dàng. Ông Zhang Liqun, một nhà cố vấn kinh tế cho chính phủ Trung Quốc, thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển, cho rằng có những rủi ro lớn có thể xảy ra nếu Bắc Kinh cho phép điều chỉnh giảm tăng trưởng quá lớn. Ông Zhang cho rằng: “Nếu mức tăng trưởng kinh tế quá thấp, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh và luân chuyển tiền tệ, họ sẽ cắt giảm việc làm và tiền lương, thậm chí chậm trả tiền vay nợ hoặc không có khả năng trả nợ ngân hàng”. Nói cách khác, nếu điều chỉnh giảm tăng trưởng ở thời điểm hiện tại có thể làm trầm trọng hơn những nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.
Điều này cũng không quá khó hiểu, khi trong những năm qua nền kinh tế Trung Quốc là một cái cây được thúc lớn nhanh bởi các loại hóa chất nhân tạo là các biện pháp tăng trưởng tín dụng quy mô lớn, nó khiến cho kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào các biện pháp kích thích này đến mức giờ đây một sự thay đổi cũng có thể dẫn đến những hệ lụy lớn. Vừa muốn dừng việc sử dụng hóa chất thúc lại vừa muốn thu được nhiều quả rõ ràng là một nhiệm vụ bất khả thi với chính phủ Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
Nhàn Đàm – Motthegioi