Trải qua thời gian cũng như chiến tranh tàn phá, tháp Chăm Bằng An hiện còn lại một tháp thờ chính có mặt bằng hình bát giác cao khoảng 21m
Trải qua thời gian cũng như chiến tranh tàn phá, tháp Chăm Bằng An hiện còn lại một tháp thờ chính có mặt bằng hình bát giác cao khoảng 21m

Dự án có tổng mức đầu tư gần 8,4 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh; tiến độ thực hiện từ năm 2023 - 2025. Mục tiêu của dự án nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho cấu trúc của di tích; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Theo đó, quy mô đầu tư sẽ dọn dẹp phát lộ mặt bằng, thu gom hiện vật quanh chân tháp. Thám sát một số vị trí trong khu vực bảo vệ di tích phục vụ quá trình thi công tu bổ; gia cố phần chân tháp từ nền lên cao 2m bằng gạch phục chế. Hạ giải khối xây bằng gạch chỉ vữa xi măng khu vực sảnh chính, xây bậc cấp, đục tỉa, vệ sinh bề mặt gạch trước tu bổ, phục hồi bằng gạch phục chế; xử lý gia cố các vết nứt trên thân tháp.

Dự án cũng sẽ làm sạch, bảo quản chống rêu, nấm mốc, địa y trên bề mặt tường gốc, xử lý diệt cây cối xâm thực trên các thành phần kiến trúc. Vệ sinh bề mặt, bảo quản và tái định vị các hiện vật đá hiện trạng trước sảnh tháp, chống mối công trình và các hạng mục khác có liên quan.

Tháp Chăm Bằng An (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII, là một trong những tháp Chăm cổ, và là tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn trong lịch sử điêu khắc Champa hiếm hoi còn sót lại ở Quảng Nam, có giá trị cao về lịch sử và tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm.

Di tích được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989, nằm trên tỉnh lộ ĐT609, cách đô thị cổ Hội An khoảng 14 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam.

Hiện trạng tháp Bằng An
Hiện trạng tháp Bằng An

Đây là tháp Chăm có kiến trúc hình bát giác duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay tại Việt Nam, hiện nằm trên một vùng đất bằng phẳng, có tổng diện tích hơn 4.000m2.

Theo các nhà nghiên cứu, tháp Bằng An được xây dựng với mục đích thờ cúng và tế lễ. Bên trong tháp thờ thần Shiva, vị thần tối cao của người Chăm; tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại bệ thờ.

Trải qua thời gian cũng như chiến tranh tàn phá, di tích tháp Chăm Bằng An hiện còn lại một tháp thờ chính có mặt bằng hình bát giác cao khoảng 21m.

Hiện nay, tại di tích chỉ còn hai trụ cổng xây gạch đất nung không trát vữa, hai cánh cổng chính đã hoen gỉ, mục nát. Các công trình phụ trợ hư hại nặng, xiêu vẹo không còn sử dụng được.

Ngoài ra, do nằm gần khu dân cư nhưng không có các biện pháp ngăn cách, bảo vệ, nên hiện trạng cảnh quan xung quanh tháp hiện nay khá lộn xộn, điều kiện môi trường kém, gây mất mỹ quan.

Tháp Bằng An là di tích văn hóa Chămpa (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) nằm trên tỉnh lộ ĐT609 cách đô thị cổ Hội An khoảng 14km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Di tích tháp Chăm Bằng An được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989.

Hoàng Hữu Quyết