Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (VINAPHARM) tiền thân là Tổng Công ty Dược, được thành lập vào tháng Tư năm 1971 trên cơ sở sát nhập 03 Cục trực thuộc Bộ Y tế: Cục Phân phối dược phẩm, Cục Dược liệu, Cục Sản xuất.
Năm 1982, Tổng Công ty Dược được đổi tên là Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam. Tháng Ba năm 1996, Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định thành lập Tổng Công ty Dược Việt Nam chuyển đổi từ Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam. Đến ngày 30/06/2010, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 2335/QĐ-BYT chuyển đổi Tổng Công ty Dược Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con.
Tổng Công ty Dược Việt Nam được cổ phần hóa theo Quyết số 2088/QĐ-TTg ngày 26/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Tổng Công ty Dược Việt Nam Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thành công ty cổ phần, theo đó Tổng Công ty Dược Việt Nam được đổi tên thành Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP. Ngày 27 tháng 11 năm 2016, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP đã tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu.
Qua theo dõi, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP từ khi mới thành lập (năm 1971) đã là một thương hiệu lớn, từng nhiều năm là "con chim đầu đàn" của ngành dược Việt Nam. Và cho đến nhiều năm về trước, người dân Việt Nam vẫn nghĩ như vậy. Thực tế, thương hiệu này có giữ được uy tín trong suy nghĩ của người tiêu dùng Việt Nam hay không, hiện là một dấu hỏi lớn. Hay, đây chỉ là nơi người ta giao dịch, bán mua cổ phiếu, kinh doanh mang tính thiệt hơn chứ không phải là nơi để sản xuất, nhập khẩu thuốc chữa bệnh cho người dân? Dù rằng, vốn Nhà nước vẫn đang chi phối và nhiều cơ sở vật chất của Nhà nước vẫn đang được Tổng này sử dụng, sở hữu...
Với loạt bài viết này, tạp chí Thương hiệu và Công luận sẽ cung cấp thông tin, đem đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về thương hiệu Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP - DVN.
Trước giao dịch, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương là cổ đông lớn thứ hai tại DVN với sở hữu 17% vốn, xếp sau Bộ Y tế (65%). Về mối quan hệ, bà Hàn Thị Khánh Vinh là Phó Tổng Giám đốc ở cả Việt Phương và DVN.
Nhằm mục đích tái cấu trúc danh mục đầu tư, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương thông báo đã báo bán toàn bộ 40,3 triệu cổ phiếu DVN (tương đương 17% vốn điều lệ) của Tổng Công ty Dược Việt Nam (VinaPharm, UPCoM: DVN) và không còn là cổ đông lớn tại DVN. Giao dịch thực hiện từ 01/04/2022 - 05/04/2022.
Ở chiều ngược lại, trong 02 ngày 04/04/2022 - 05/04/2022, cổ đông lớn thứ ba là Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI đã mua tổng cộng 28,5 triệu cổ phiếu DVN, nâng lượng sở hữu sau giao dịch từ gần 10 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,21%) lên hơn 38,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16,24%) tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Tạm tính theo mức giá giao dịch trung bình 02 phiên 04/04 và 05/04, số tiền mà Quỹ đầu tư Cơ hội PVI đã chi để gom cổ phiếu DVN có thể lên đến 612 tỷ đồng.
Ngoài ra Quỹ đầu tư hạ tầng PVI cũng thông báo đã mua vào 4,5 triệu cổ phiếu DVN (tỷ lệ 1,9%). Trước giao dịch quỹ này không sở hữu cổ phiếu nào. Giao dịch thực hiện ngày 5/4/2022.
Trong phiên 05/04, DVN ghi nhận khối lượng thỏa thuận đạt 23,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 402 tỷ đồng. Với số lượng lớn cổ phiếu DVN được giao dịch như trên, không ngoại trừ khả năng 02 Quỹ PVI đã mua vào phần cổ phiếu đang được Việt Phương bán ra.
Sau các giao dịch, Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Y tế (nắm giữ 65%). Quỹ Đầu tư Hạ tầng PVI là cổ đông lớn thứ tư, xếp sau CTCP Sam Holdings (nắm giữ 4,98%).
Về kết quả năm 2021, trong quý IV, Dược Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.073,97 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 49,62 tỷ đồng, lần lượt bằng 70,7% và 69,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận 107,34 tỷ đồng, bằng 66,1% so với cùng kỳ; doanh thu tài chính ghi nhận 19,9 tỷ đồng, bằng 78,7% so với cùng kỳ; chi phí tài chính giảm 77,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 18,9 tỷ đồng về 5,6 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 17,43 tỷ đồng, bằng 40,6% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 33,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 43,09 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Trong năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 648,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 19,16 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 22,09 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 515,7 tỷ đồng, chủ yếu Công ty trả bớt nợ vay và chia cổ tức cho cổ đông.
Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của DVN giảm 4% so với đầu năm về còn 5.862,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.807,1 tỷ đồng, chiếm 30,8% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.720,5 tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.051,5 tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 867 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng tài sản và các tài sản khác.
Ngoài ra, trong năm 2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 4,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 53,8 tỷ đồng về 1.220,8 tỷ đồng và chiếm 20,8% tổng nguồn vốn.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/04/2022, cổ phiếu DVN giảm 500 đồng lên 21.700 đồng/cổ phiếu.
Thương hiệu và Công luận chuyển đến bạn đọc thông tin tiếp theo về DVN.
Lê Pháp