Theo báo cáo của VFS, chỉ số VN-Index đã có 1 tháng đầy biến động khi đầu tháng VN-Index giảm điểm từ vùng 1.290 xuống vùng 1.240, ngay sau đó VN-Index lại quay đầu hồi phục và tiến đến vùng 1.300 lần thứ 5 kể từ đầu năm 2024, áp lực bán lại xuất hiện và vẫn đang nằm trong xu hướng đi ngang với vùng hỗ trợ là 1.170 và kháng cự mạnh 1.300.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch tính đến ngày 30/9 đạt 259 nghìn tỷ, sụt giảm mạnh so với tháng trước. Thanh khoản thị trường ảm đạm cho thấy tâm lý giằng co và chờ đợi của nhà đầu tư. Điểm tích cực là dòng tiền của nước ngoài và tổ chức có dấu hiệu quay trở lại.
Về diễn biến nhóm ngành, trong nhịp hồi phục nửa cuối tháng 9, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt đà tăng của chỉ số khi dòng tiền có sự lan tỏa đều và nhiều cổ phiếu vượt đỉnh như ACB, CTG, MBB… Sự quay trở lại của nhóm ngân hàng cũng giúp đà tăng của chỉ số có phần bền vững hơn.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép có dấu hiệu tạo đáy ngay khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế vào ngày 24/9.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có sự hồi phục đáng kể sau giai đoạn giảm sâu. Nhiều cổ phiếu như DXG, PDR, và VHM ghi nhận mức tăng đáng kể, nhờ vào các thông tin tích cực liên quan đến việc điều chỉnh chính sách và mở bán các dự án trọng điểm.
Khi dòng tiền có phần dè dặt và lưỡng lự, nhóm ngân hàng hút tiền, các nhóm ngành còn lại có diễn biến khá ảm đạm.
Từ những nhận định trên, VFS đưa ra khuyến nghị, chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang neo ở vùng đỉnh và chỉ số chứng khoán Trung Quốc hồi phục 20% từ đáy sau khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế, cùng với sự tăng giá và những câu chuyện của nhóm ngân hàng giúp VN-Index có xác suất có thể vượt được vùng cản cứng 1.300, tuy nhiên sẽ có rung lắc mạnh quanh vùng này.
Kịch bản thị trường có thể diễn biến theo 2 hướng như sau:
Kịch bản 1: Phe mua áp đảo phe bán cùng với sự đồng thuận của chứng khoán quốc tế, VN-Index vượt 1.300 thuyết phục.
Kịch bản 2: Sự lưỡng lự giữa phe mua và phe bán vẫn tiếp diễn, VN-Index rung lắc quanh 1.290 điểm.
Thu Trang(t/h)