Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng đó của Người để giữ gìn uy tín, danh dự, hình ảnh người cán bộ, Đảng viên, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân.
Năm 1925 - 1927, tại Quảng Châu, Trung Quốc, khi chuẩn bị những điều kiện thành lập đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn những thanh niên ưu tú để đào tạo, huấn luyện chính trị. Theo Người, chỉ những người có đủ phẩm chất, trí tuệ mới có thể tiếp nhận được giá trị lý luận, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phương pháp cách mạng đúng đắn và thực hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong tác phẩm "Đường Cách mệnh" Người đặt lên hàng đầu về Tư cách một người cách mệnh, gồm 23 điểm.
Theo đó, mỗi người khi phấn đấu theo những điểm căn cốt đó sẽ góp phần làm nên bản chất cách mạng của Đảng; đồng thời, giúp cho Đảng có được đội ngũ cán bộ trung kiên, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì cách mạng, dân tộc và nhân dân. Sau này, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác lại đề cập 12 điều về "Tư cách của Ðảng chân chính cách mạng". Người nêu bật những tính tốt của người cách mạng cần được bồi đắp là: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương phân tích: "12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, đây có thể coi là một hệ thống lý luận và phương pháp, cũng như quan điểm và phong cách về đảng cầm quyền. Điều quan trọng nhất Đảng phải là một tổ chức cách mạng, không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Đây chính là động cơ, mục đích chính trị và đạo đức của Đảng, đảng viên".
Trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng, phần lớn cán bộ nắm bộ máy chính quyền và nhân viên nhà nước đều tận tụy, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cá biệt cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh", một số cán bộ "ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền", ức hiếp dân. Trên báo Cứu quốc ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Sao cho được lòng dân?". Người thẳng thắn nêu rõ thực trạng có "tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen"; "Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét". Người chỉ dẫn: "muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".
TS. Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phân tích: "Bác Hồ giải thích rất đơn giản ngay từ những ngày mới giành chính quyền. Bác nói: "không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng" mà "không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường". Cho nên phải dựa vào dân. Bác dạy cán bộ ta từ lúc hoạch định đường lối, chính sách và trong quá trình thực hiện phải lấy phương châm "Điều gì lợi cho dân, ta hết sức làm. Điều gì hại cho dân, ta hết sức tránh". Vì cuối cùng nhân dân tin vào lãnh đạo chính là họ được hưởng thụ như thế nào".
Những hành vi không đúng mực của một số cán bộ chính quyền đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, làm xấu đi hình ảnh của bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm các chức vụ, quyền hạn. Hiện tượng lạm quyền, lộng quyền và các thói xấu khác ở một số cán bộ đã khiến cho niềm tin của nhân dân bị suy giảm.
Bởi vậy, uy tín và hình ảnh của người cán bộ phải xuất phát từ sự tận tụy, hết lòng, hết sức vì việc công, "dĩ công vi thượng", không tơ hào, vun vén cho lợi ích bản thân và gia đình mình, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không quan liêu, xa cách và hống hách với dân, luôn khiêm nhường, giản dị trong cuộc sống. Muốn vậy, Đảng phải ra sức giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đồng thời, mỗi người phải có ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng thường xuyên, liên tục.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Uy tín, hình ảnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được xây dựng dựa trên trình độ trí tuệ, năng lực thực hiện sự lãnh đạo, quản lý, phẩm hạnh, đạo đức: "Bác nói là đức làm gốc. Cũng như cái cây có gốc. Nếu người có đức mà không có tài thì vô dụng. Nhưng có tài mà không có đức thì không có một cán bộ lãnh đạo nào có thể lãnh đạo được nhân dân. Không lãnh đạo được nhân dân thì sự nghiệp cách mạng sụp đổ".
Thực tế cho thấy, cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý tốt, giỏi có vai trò quyết định đến sự phát triển của từng địa phương, từng lĩnh vực hoạt động và phạm vi phụ trách. Nếu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu yếu kém, ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật; đến uy tín của Đảng và niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và chế độ. Ngược lại, lựa chọn được cán bộ tốt sẽ góp phần đưa đất nước, địa phương, ngành, lĩnh vực đó phát triển... Điều này đặt ra yêu cầu quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược cho nhiệm kỳ Khóa XIV của Đảng.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực 2, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng và lối sống của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên có chức có quyền làm nhiệm vụ cực kỳ to lớn, là then chốt để giải quyết vấn đề uy tín của Đảng.
Chúng ta đang ở trong những năm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 14 của Đảng và Đại hội các cấp vào năm 2025 thì việc lựa chọn cán bộ như thế nào là vấn đề rất lớn. Những cán bộ ấy phẩm chất đạo đức thật trong sáng, phải thật sự trung thành lý tưởng của những người cộng sản, lý tưởng phục vụ nhân dân. Thứ hai là người cán bộ phải thật sự có tài năng. Muốn lấy uy tín của nhân dân cán bộ phải "vừa hồng, vừa chuyên".
Uy tín, hình ảnh của cán bộ, đảng viên phải được xây dựng dựa trên năng lực trí tuệ, năng lực lãnh đạo, quản lý, đạo đức và phong cách khoa học, dân chủ, tình thương yêu đồng chí, đồng bào. Khi cán bộ, đảng viên có được uy tín trong Đảng và trong nhân dân, được đồng chí, đồng bào quý trọng thì đó là niềm hạnh phúc, tự hào rất to lớn. Bởi vậy, dù ở vị trí, chức vụ nào cũng đều cần giữ gìn uy tín, danh dự, hình ảnh để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân, góp phần bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đi đến thắng lợi.
Theo VOV.vn