Phát huy lợi thế, hình thành các chuỗi liên kết
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc – nơi giao thao giữa hai miền khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới với hệ thực vật phong phú, đây là lợi thế về điều kiện tự nhiên cho sự sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng giá trị cao, trong đó có cây quế.
Cây quế được người dân nơi đây chủ động đưa vào trồng và phát triển tại một số xã vùng thấp (thuộc các huyện: Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng) của tỉnh từ năm 1974. Đến nay, sau gần 50 năm, người dân trồng quế đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế sản phẩm quế.
Bên cạnh đó, tư duy về lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cự sang lâm nghiệp xã hội hóa, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lâm sản, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất quế.
Năng suất, chất lượng sản phẩm quế tại Lào Cai thuộc tốp cao so với các tỉnh trồng quế trên cả nước. Điều này đã được khẳng định thông qua việc rà soát, đánh giá, phân tích mẫu quế; hàm lượng tinh dầu quế của tỉnh Lào Cai đạt 4,6% (tức là trong 100kg quế có 4,6 kg tinh dầu).
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, trong đó tập trung phát triển sản phẩm lâm sản chủ lực là quế, tỉnh Lào Cai đã áp dụng lồng ghép các chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp của Trung ương cũng như ban hành hệ thống chính sách của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy phát triến sản xuất như: Đề án 01-ĐA/Tu ngày 11/12/2020 về Phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xât dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025…
Còn đó nhiều khó khăn, thách thức
Theo thống kê, đến hết tháng 5/2023, tỉnh Lào Cai có 57.758,8 ha quế, đạt 111% mục tiêu của nghị quyết 10-NQ/TƯ ngày 26/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy đề ra. Diện tích quế đã thành rừng là 36.362,4 ha. Vùng trọng điểm quế được xác định tại 04 huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà với diện tích 51.279,0 ha (chiếm 88,78% diện tích quế toàn tỉnh).
Do mới phát triển nhanh chóng từ năm 2012 đến nay nên diện tích quế thành thục không nhiều, còn tồn tại những hạn chế và tiểm ẩn một số rủi ro như: Phát triển thiếu bền vững; việc trồng thuần loài trên diện tích lớn gây nguy cơ bùng phát sâu bệnh hại diện rộng; diện tích được đánh giá, cấp chững nhận hữu cơ còn thấp.
Bên cạnh đó việc trồng, sản xuất quế chủ yếu là tự phát, manh mún, nhỏ lẻl chưa thành lập nhiều các tổ nhóm hỗ trợ nhau trong việc trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế các sản phẩm từ cây quế.
Các chuỗi liên kết sản xuất được manh nha thực hiện tuy nhiên mới dừng lại ở việc xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm quế chưa xây được chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Điều này dẫn tới không phát huy được sức mạnh tập thể khiến việc tiêu thụ sản phẩm quế phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Phát triển cây quế theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị
Để nâng cao giá trị sản phẩm quế, từng bước mở rộng thị trường ra các nước trên thế giới, tỉnh Lào Cai xác định việc xây dựng vùng nguyên liệu quế đạt chứng nhận hữu cơ là nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương định hướng, hướng dẫn người dân phát triển vùng nguyên liệu quế bền vững, từng bước thực hiện cấp chứng nhận hữu cơ.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Lào Cai đã thực hiện phát triển vùng trồng quế bền vững theo tiêu chuẩn hữu cơ, quản lý rừng bền vững gắn với xây dựng thương hiệu quế Lào Cai.
Tính đến hết năm 2022, tỉnh Lào Cai có 3.671 ha quế đạt chứng nhận hữu cơ gồm: 1.374 ha tại xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Bản Cái huyện Bắc Hà và 2.247 ha tại xã Liêm Phú và Nậm Tha huyện Văn Bàn.
Trong năm 2023, tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích lên trên 5.000 ha dưới sự hỗ trợ của dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) và dự án Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM2) hỗ trợ xây dựng vùng quế đạt chứng nhận Liên minh thương mại đa dạng sinh học (UEBT) cho diện tích quế tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên.
Nguyễn Mạnh - Đỗ Biên