Ảnh hưởng của cây xanh đối với không khí và khí hậu đô thị

Vai trò quan trọng của những hàng cây xanh không chỉ dừng lại ở sự tô điểm, làm đẹp cho những con đường, những dãy phố mà chúng còn là cỗ máy điều hòa tự nhiên làm giảm đi sự oi nồng trong những ngày nắng nóng. Hơn thế nữa, cây xanh còn là những cỗ máy vệ sinh cần mẫn góp phần làm cho môi trường trong lành, bớt độc hại bởi chúng có khả năng hấp thụ, lọc, hút bớt lượng các chất khí độc hại, chống ô nhiễm, làm sạch không khí, giảm tiếng ồn giúp tránh được những nguy hại cho sức khỏe con người và tạo được quá trình sinh thái bình thường của sinh vật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cây xanh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giảm nhiệt đô thị. Cây có tán đủ lớn ngoài tác dụng che nắng, còn làm cho các bề mặt phía dưới cây xanh không bị hấp thụ bởi bức xạ mặt trời, ước tính trung bình có thể ngăn tới 80% lượng bức xạ mặt trời truyền tới. Các bề mặt này không bị nung nóng sẽ không tỏa nhiệt trở lại môi trường, làm cho nhiệt độ không khí xung quanh dịu mát hơn.

Trồng nhiều cây xanh ở các khu dân cư đông đúc sẽ không chỉ giúp cho không khí ở đó trong lành hơn, mà cây còn có thể làm bóng mát ngăn chặn ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời lên người dân. Lá cây cũng sử dụng ánh sáng mặt trời để quang hợp. Cây cũng hấp thụ các khí độc thải ra từ khói xe cộ, quán ăn, bụi bẩn nhà máy, rác thải, và nhiệt từ chính con người tỏa ra, từ đó giúp giảm bớt nhiệt.

Một trong những tác dụng lớn nhất của cây xanh cho đô thị, đó là nó cải thiện rõ rệt môi trường sống của người dân. Với mật độ dân cư đông, cùng với lượng khí thải từ nhà máy, xe cộ,… tình trạng chung của các khu đô thị chính là môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cây xanh sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu những khí độc như khí cacbonic (CO2). Theo nhiều nghiên cứu, cây xanh có thể hấp thụ tới 6% các loại khí thải độc. Cây xanh sẽ giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Vì vậy có thể xem cây xanh là lá phổi của thành phố.

Cây xanh có khả năng lưu giữ một phần nước mưa trên cây, giữ cho mặt đất xốp cùng với hệ rễ cây đâm sâu xuống đất giúp cho nước mưa thẩm thấu nhanh xuống đất, làm giảm tình trạng úng ngập trong đô thị. Cũng nhờ tính năng này mà ở vùng trung du và miền núi, rừng cây xanh có tác dụng điều hòa nước mưa, làm giảm xói lở đất, giảm lũ tràn, lũ ống, lũ quét.

Bên cạnh đó, cây xanh có khả năng hấp thụ nhiều chất ô nhiễm độc hại trong môi trường nước và trong môi trường đất, đặc biệt là hấp thụ và giữ chứa lâu dài các chất kim loại nặng, như là chì, asen, thủy ngân... trong các mô bì của lá cây, trong thân cây, cành cây và rễ cây. Do cây xanh có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm cho nên hiện nay người ta đã sử dụng một số loài thực vật trong dây truyền hệ thống xử lý nước thải, và đang nghiên cứu sử dụng một số loài thực vật để xử lý ô  nhiễm đất, hấp thụ kim loại nặng, phục hồi chất lượng đất, kể cả hấp thụ Dioxin trong đất.

Ngoài ra, hệ thống cây xanh đô thị làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về mầu sắc và môi trường khí hậu đô thị, tôn cao giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, các đài kỷ niệm, các danh lam, thắng cảnh, phục vụ cho nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, đi dạo và ngoạn mục của nhân dân đô thị, cũng như các khách vãng lai và khách du lịch.

Cây xanh luôn được xem là một trong những yếu tố phản ánh văn minh thành phố
Cây xanh luôn được xem là một trong những yếu tố phản ánh văn minh thành phố.

Tăng tỷ lệ không gian xanh cho thành phố

Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã khẳng định: Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên; không “hy sinh” các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.

Quan điểm được nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về phát triển đô thị chính là phải quan tâm đến những vấn đề sát sườn đời sống dân sinh cho cư dân đô thị và xa hơn là định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh.

Theo đó, việc phát triển, chỉnh trang các khu đô thị vừa phải giữ gìn công trình văn hóa, lịch sử có giá trị, nhưng đồng thời chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng các công trình phúc lợi công cộng như công viên, quảng trường…

Còn với các khu vực phát triển mới, đây là cơ hội để định hướng phát triển đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh. Theo đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi cần được thực hiện nghiêm; không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung. Các đô thị lớn cũng cần có các giải pháp căn cơ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường; tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… Triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số…

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm 3,3 độ C nhiệt độ không khí khi diện tích đất cây xanh đạt 20- 50% diện tích đất đô thị. Ngoài ra, cây xanh đô thị có thể làm giảm từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ từ 70-75% năng lượng mặt trời… Tuy nhiên, hiện nay mật độ cây xanh ở các khu đô thị Hà Nội còn quá thấp so với yêu cầu, ảnh hưởng tới môi trường.

Cùng với mục tiêu của Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội đang nỗ lực trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường. Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trồng mới từ 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị thành phố; 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung từ 50-80ha rừng; chăm sóc 3.546 ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Lượng CO2 dư thừa trong bầu khí quyển chính là tác nhân gây nên biến đổi khí hậu. Như chúng ta đã được biết cây xanh hấp thụ CO2, loại bỏ và lưu trữ carbon trong khi giải phóng oxy trở lại vào không khí, giúp chống lại hiện tượng này. Chính vì vậy chúng ta cần trồng rất rất nhiều cây không chỉ giúp hạn chế việc thay đổi khí hậu mà còn giúp con người có cuộc sống “sạch” hơn.

Hà Trần