THCL Mới đây, tại Hà Nội, đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATVSTP theo QĐ số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết liệt vào cuộc chống thực phẩm bẩn

Nhiều cơ sở vi phạm ATVSTP

Kết quả sau 06 tháng thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành có 543/2563 cơ sở bị xử lý vi phạm về ATVSTP, chiếm 21,2%, trong đó có 227 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền 750.300.000 đồng. Tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính cao hơn so với 6 tháng cùng kỳ trước khi thực hiện thí điểm (21,2% so với 17,6%), số tiền phạt cao hơn (750.300.000 đồng so với 222.980.000 đồng).

Tại Hà Nội, các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP hoặc có nhưng đã hết hiệu lực, không rõ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm…

Thời gian qua, Hà Nội có 5 quận, huyện, thị và 10 xã, phường triển khai thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành. Theo đó, có hơn 12.500 cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm: 464 cơ sở sản xuất thực phẩm, hơn 3.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 7.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, 552 cơ sở giết mổ, 34 siêu thị và 490 cơ sở khác; có 9.400 cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Các quận, huyện, thị, xã, phường, thị trấn đã thành lập được 65 đoàn kiểm tra, thanh tra. Đã có 2.563 cơ sở được thanh tra, kiểm tra (trong đó, 710 sơ sở được thanh tra và 1.853 cơ sở được kiểm tra).

Theo TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội, tới đây sẽ tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm (chợ, lò giết mổ) thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt) và xử lý vi phạm hành chính, nhất là với xã, phường.

Quyết liệt với thực phẩm bẩn

Hà Nội có gần 59.000 cơ sở thực phẩm lớn, 412 chợ, 90 siêu thị và 20 TTTM phân bổ tại các quận, huyện, thị.

“Phần lớn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATVSTP và xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính ATVSTP”, ông Hạnh nói.

Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý ATVSTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và văn minh đô thị, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình điểm về an toàn thức ăn đường phố, mô hình cải thiện ATVSTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn và bảo đảm ATVSTP tại 30 tuyến phố văn minh đô thị triển khai thí điểm.

Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, các đơn vị chức năng trong quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử phạt khi có vi phạm ATVSTP theo phân cấp. Trường hợp phát hiện các cơ sở vi phạm ATVSTP, kịp thời thông báo tên cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, để người tiêu dùng biết không sử dụng.

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, thời gian tới, ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyên truyền cho người dân có thêm kiến thức về ATVSTP, Cục sẽ tổ chức cho các địa phương gần nhau có thể kiểm tra chéo để học tập cách quản lý về phòng, chống, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, cần phải nâng cấp, tăng cường các phòng kiểm nghiệm để hỗ trợ công tác xác minh chất lượng thực phẩm. Nâng cao năng lực của các chi cục để có thể bảo đảm công tác thanh, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý thông tin về ATVSTP tại các địa phương.

Để khắc phục những tồn tại, Ban Chỉ đạo ATVSTP quận, huyện, thị xã định kỳ 6 tháng kiểm tra công tác quản lý ATVSTP của xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do xã, phường quản lý. Bên cạnh đó, huy động các cơ quan chức năng, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra bảo đảm mỹ quan đô thị, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo ATVSTP, vệ sinh môi trường…

Hoan Nguyễn