THCL - Bạn nghĩ rằng tổng thống Barack Obama là người đề xướng chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương? Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, bài phân tích trên South China Morning Post vạch rõ.
Bà Hillary Clinton là một trong các kiến trúc sư của chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương
Thực ra bà Hillary Clinton mới là người nhấn mạnh vào sự cần thiết phải có thay đổi chiến lược của nước Mỹ và là người khởi động chính sách xoay trục sang châu Á tháng 10/2011 trong một bài báo mang tên “Thế kỷ Thái Bình Dương của nước Mỹ”. Giọng điệu của bà vô cùng hùng dũng: “Quân đội của chúng ta là quân đội mạnh nhất và nền kinh tế của chúng ta cũng lớn nhất thế giới”, trong khi “một nửa hàng hoá thế giới đi qua Biển Đông”. Các nhà quan sát không cần gợi ý cũng phát hiện ra ý đồ của bà Clinton ám chỉ về mối nguy hiểm của cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Bài viết của bà Clinton ra đời trước phát biểu của ông Obama hồi tháng 11/2011 tại Quốc hội Úc, trong đó ông đã chính thức thông báo chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Chủ đề chính là nước Mỹ với vai trò là “quốc gia Thái Bình Dương”.
Từng là một ứng cử viên Tổng thống năm 2008, bà Clinton cho rằng thâm hụt ngân sách Mỹ chủ yếu là do hàng hóa Trung Quốc trong hóa đơn kho bạc Mỹ. Sau đó bà có vẻ như nhắc lại quan điểm phổ biến rằng gốc rễ của nền bá chủ toàn cầu của Mỹ ở nằm ở kinh tế.
Nguồn gốc của chính sách này không ai khác chính là cha đẻ của khái niệm xoay trục: ông Kurt Campbell, sau này là trợ lý ngoại trưởng Mỹ về châu Á. Ông Campbell là một học giả tại đại học Oxford, hoạt động trong lĩnh vực hải quân, và từng làm việc tại Lầu Năm Góc dưới thời tổng thống Bill Clinton và tại Bộ Ngoại giao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama. Ông Campbell mất hai năm để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống tư duy quan liêu và đã dẫn đến bài viết của bà Hillary và bài phát biểu của ông Obama về chính sách xoay trục sang châu Á.
Ngay từ khi bắt đầu, mục tiêu của chính sách xoay trục là tập trung vào Trung Quốc. Đây là nỗ lực để đạt được cân bằng trong hoà bình giữa hai nước vừa là đối tác kinh tế, vừa là đối thủ chiến lược. Ông Obama có lẽ đã dần xuôi theo đối thủ nhưng đến giữa năm 2010, bà Clinton đã đưa ra quyết định. Trong một hội nghị ở Hà Nội, bà đã dõng dạc tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông.
Tổng thống Obama tham gia vân động tranh cử ủng hộ bà Clinton
Giây phút quan trọng là khi cuộc chiến Trung-Mỹ trên Biển Đông thực sự bắt đầu, định hình toàn bộ sự xoay trục. Bà Clinton – một trong các kiến trúc sư của chiến lược xoay trục tất nhiên là người ủng hộ cho Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay từ đầu.
Bà Clinton và ông Trump đang đua tranh gay gắt vào Nhà Trắng. Trong khi thảo luận về tấn công không gian mạng ở Mỹ, bà Clinton đã mở rộng từ không gian mạng sang sự thống trị toàn diện - học thuyết chính thức của Lầu Năm Góc từ năm 2002.
Thông điệp của bà rất rõ ràng và Lầu Năm Góc đang giám sát chặt chẽ từng khía cạnh trong số ba mối đe doạ hiện hữu - những nước lớn có lên quan đến sự hội nhập Á-Âu: đó là Trung Quốc, Nga và Iran.
Học thuyết Sự thống trị toàn diện cũng ám chỉ tính ưu việt của hạt nhân. Bảo đảm về cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu của Mỹ chống lại các đối thủ tiềm tàng là một điều quan trọng trong học thuyết này, chính sách xoay trục sang châu Á cũng đang phụ thuộc vào học thuyết này.
Trung Quốc, Nga và Iran được coi là những nước thù địch trong thời kỳ “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” và xu hướng đi xuống không thể chối cãi được của Mỹ. Đây là cảm giác chung của các phe phái ở Washington. Do đó chính sách xoay trục và tấn công hạt nhân phủ đầu là trọng tâm học thuyết của họ.
Đặng Phương Thảo - VietTimes