Kinh tế là một trụ cột chính trong hợp tác ASEAN hướng tới mở rộng tự do hóa thương mại và đầu tư. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được ký kết năm 2009 và triển khai. Dự kiến đến hết năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ hàng rào thuế quan trong toàn khối ASEAN sẽ đạt 98,67%. Bên cạnh đó, ASEAN đang tích cực triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại như: Thí điểm triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cơ chế hải quan một cửa...; thực hiện các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực điện, điện tử, cao su, thực phẩm chế biến sẵn, dược phẩm và thiết bị y tế… để tạo ra một khu vực sản xuất thống nhất.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32
Song song với hợp tác nội khối, ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác về tự do hóa thương mại với bên ngoài. Đến nay, ASEAN đã ký kết và thực hiện 5 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand; đồng thời ký kết FTA với vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc). Các nước ASEAN còn đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác nêu trên nhằm đạt được một FTA mới toàn diện có mức độ cam kết cao hơn các FTA hiện nay.
Nhờ đẩy mạnh hợp tác, tự do hóa thương mại trong và ngoài khối, đến nay, tổng trao đổi thương mại hàng hóa của ASEAN với thế giới đã đạt 2.275 tỷ USD (năm 2017), tăng cao so với 10 tỷ USD khi mới thành lập khối; tổng giá trị trao đổi thương mại dịch vụ ASEAN với thế giới cũng đã tăng từ 140 tỷ USD (năm 1999) lên 681 tỷ USD (năm 2016).
Nhìn nhận quá trình hội nhập kinh tế trong ASEAN, với vai trò cơ quan đầu mối của Chính phủ về hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: Đó là một quá trình đã được Việt Nam triển khai hiệu quả. Tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ ATIGA là 98%. Trong 10 FTA Việt Nam đang thực hiện, FTA với ASEAN có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA trong khuôn khổ ASEAN để xuất khẩu hàng hóa. So với thời điểm bắt đầu tham gia FTA nội khối năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN đã tăng 7,7 lần, đạt 45,23 tỷ USD (năm 2017), trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN tăng 12,4 lần, đạt 19,9 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với ASEAN đã đạt 28,1 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 12,2 tỷ USD.
Theo chương trình nghị sự cấp cao thường niên ASEAN năm 2018 tại Singapore sẽ diễn ra vào cuối năm, ASEAN ưu tiên hợp tác về thương mại điện tử và hội nhập số; thành lập mạng lưới sáng tạo ASEAN; vận hành cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong toàn ASEAN và cơ chế một cửa ASEAN; ký kết Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN; tăng cường Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN; Tuyên bố ASEAN về du lịch hành trình trên biển; tăng cường hợp tác và thương mại về khí tự nhiên hóa lỏng trong ASEAN; ký Biên bản ghi nhớ với Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế; xây dựng Quy tắc ứng xử về xây dựng xanh của ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 10 tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Singapore tới đây, tiến tới Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Việt Nam sẽ triển khai hiệu quả các ưu tiên hợp tác trong ASEAN năm 2018; phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN triển khai Kế hoạch hành động Chiến lược Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025; tiếp tục rà soát, thực thi các cam kết trong các FTA giữa ASEAN+1 (với các đối tác ngoài ASEAN), bao gồm rà soát Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA) giai đoạn 2 và tích cực thực hiện các chương trình làm việc/hợp tác với các đối tác khác của ASEAN.
Để tận dụng tốt cơ hội từ quá trình hình thành AEC năm 2025, bảo đảm Việt Nam hội nhập chủ động, tích cực, phù hợp với lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cạnh khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm ra cơ cấu sản phẩm hợp lý, nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA. Các bộ, ngành cần nâng cao hiệu quả công tác điều phối, phối hợp, cải tiến cơ chế tham gia các cuộc họp cấp kỹ thuật trong ASEAN, xác định chủ trương về đối xử đặc biệt và khác biệt trong quá trình đàm phán các FTA từ giai đoạn năm 2018 trở đi.
ASEAN thành lập ngày 8/8/1967 tại Bangkok (Thái Lan) nhằm mục tiêu tập hợp lực lượng chính trị để xây dựng, duy trì hợp tác kinh tế, chia sẻ thịnh vượng chung, bảo đảm hòa bình, ổn định về an ninh và kinh tế ở Đông Nam Á.
Bảo Ngọc (t/h)