Các vụ điều tra 6 tháng đầu năm chủ yếu là chống bán phá giá (138 vụ), tự vệ (50), chống lẩn tránh (37) và chống trợ cấp (27).
Nhà chức trách cho biết, nguyên nhân chính khiến các nước tăng điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt do Việt Nam đã tận dụng các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sự gia tăng về lượng và quy mô hàng hóa Việt Nam đã gây sức ép cạnh tranh với sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu. Do đó, các nước này tăng điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Tuy vậy, việc cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam mang lại kết quả tích cực, theo Bộ Công Thương. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chứng minh không vi phạm, giúp họ tránh hoặc chỉ bị áp thuế ở mức thấp, từ đó giữ vững và mở rộng thị trường.
Với thị trường trong nước, Bộ này cho biết họ cũng đẩy mạnh điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước nguy cơ hàng nhập khẩu bán phá giá và trợ cấp. Bộ đã khởi xướng 28 vụ điều tra phòng vệ thương mại và áp dụng 22 biện pháp với hàng nhập khẩu.
Minh Đức