Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng trong những năm gần đây, trong đó nổi bật nhất là những thành tựu kinh tế và mức độ ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi trên trường quốc tế. Để hiểu thêm về nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales đã trao đổi rất cụ thể về vấn đề trên.

Là một chuyên gia theo dõi Việt Nam trong nhiều năm, Giáo sư đánh giá thế nào về sự thay đổi của Việt Nam trong những năm gần đây?

Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales
Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales.

Giáo sư Carl Thayer: Lĩnh vực phát triển nhanh nhất ở Việt Nam đó chính là kinh tế với mức tăng trưởng trung bình là 5,8% từ năm 2011 cho đến 2024. Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch Covid-19 và phát triển nền kinh tế trong lúc nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực sản xuất và chế biến của Việt nam đã phục hồi trở lại, đặc biệt là lĩnh vực điện tử. Sản xuất và thương mại đều tăng trưởng và Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài”

Lý do nào khiến cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh như vậy, thưa Giáo sư?

Giáo sư Carl Thayer: Có 2 khía cạnh ở đây. Thứ nhất là Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nền công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2045, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng trong năm tới nên vào lúc này, các nỗ lực đang được đẩy mạnh để đảm bảo Việt Nam có thể đạt được mục tiêu như đã đặt ra 4 năm trước.

Thứ hai, vào thời điểm này, Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm. Trong nội hàm của các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như các tuyên bố đều nhấn mạnh lợi ích chung giữa Việt Nam với các nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Không chỉ vậy, tất cả các đối tác lớn của Việt Nam đều cam kết có các hoạt động song phương ủng hộ Việt Nam để phát triển lĩnh vực này.”

Ngày 22/10/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia LHQ. Ảnh: VGP
Ngày 22/10/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia LHQ. Ảnh VGP.

Sau giai đoạn dịch Covid, nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực để tạo ra các cơ hội phục hồi. Trong dó Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều các "ông lớn" công nghệ. Điều gì khiến Việt Nam thu hút các ông lớn công nghệ và các doanh nghiệp nước ngoài, thưa Giáo sư?

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo tốt, có kỷ luật và có sự ổn định chính trị. Tất cả những điều này cùng với chính sách nhất quán của đất nước trong việc coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực then chốt, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử. Việt Nam cũng có nhiều đất hiếm chưa được khai thác. Những yếu tố này đang tạo ra nền tảng để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hưởng nhiều lợi ích khi nhiều công ty nước ngoài đang tìm kiếm các đối tác khác ngoài Trung Quốc nên họ đã đến Việt Nam đặt nhiều cơ sở sản xuất tại Việt Nam để Việt Nam có thể hoàn thiện rồi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực ngoại giao, nhiều lãnh đạo nước ngoài đã đến thăm Việt Nam, chỉ số quyền lực Châu Á do viện Lowy có trụ sở tại Australia công bố cũng cho thấy ảnh hưởng ngoại giao của Việt Nam gia tăng trong khu vực. Điều này đã thể hiện như thế nào trên thực tế và đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả này?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. Ảnh TTXVN.

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam có đội ngũ nhân viên ngoại giao giỏi và có chính sách ngoại giao thành công và là quốc gia có nhiều ảnh hưởng trên thế giới. Đây là kết quả của nhiều thập kỷ thực hiện chính sách độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Cùng với đó là chính sách quốc phòng 4 không “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”…

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á cũng không muốn chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và giờ thấy Việt Nam là một mô hình thành công trong nỗ lực này. Thêm vào đó, Việt Nam còn là một quốc gia đi đầu.

Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham gia các cuộc gặp và trong bài phát biểu tại diễn đàn Liên Hợp quốc vừa qua, bài phát biểu không chỉ là tiếng nói của Việt Nam còn đại diện cho tiếng nói của nhóm các nước đang phát triển đề nghị các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy nền kinh tế. Vì điều này và việc Việt Nam không chọn bên, nên ảnh hưởng của Việt Nam gia tăng và Việt Nam đã hai lần được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.”

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Việt Nga/VOV.vn