Trong số đó, 234 dự án mới được cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2020. Đồng thời, 161 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,1 tỷ USD, tăng hơn 97% so với cùng kỳ. Số lượt góp vốn, mua cổ phần là 734 lượt, với tổng giá trị 805,3 triệu USD, giảm gần 59% so với cùng kỳ.
Theo đó, 3 dự án đầu tư lớn nhất chiếm gần 72% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng đầu năm. Trước tiên là dự án nhà máy điện LNG Long An I và II có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An do doanh nghiệp Singapore thực hiện. Tiếp đến là dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ của doanh nghiệp Nhật Bản. Cuối cùng là dự án LG Display Hải Phòng của doanh nghiệp Hàn Quốc điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD.
Doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD.
Bên cạnh đó, 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Dẫn đầu dòng vốn FDI là Singapore, với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 46% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư.
Long An là địa phương dẫn đầu thu hút FDI trong số 63 tỉnh, thành phố với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,2 tỷ USD, chiếm hơn 32% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là Cần Thơ với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD, chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư.
Tính lũy kế đến ngày 20/3, Việt Nam đã thu hút được 33.294 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 393,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 236,96 tỷ USD, bằng gần 60% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng doanh nghiệp FDI tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch Covid-19, nên vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong 3 tháng đầu năm tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Trang Nguyễn