Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến ngày 15/6/2024, toàn tỉnh có khoảng 625 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 16,89% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động khoảng 210 doanh nghiệp, giảm nhẹ so cùng thời điểm năm 2023.
Trong khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 680 doanh nghiệp, tăng 25,46% so cùng thời diểm năm 2023, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 77 doanh nghiệp, tăng 26,23%, cho thấy môi trường kinh doanh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc ước tính khoảng 256.950 lao động (giảm hơn 2.200 lao động so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, 0,5% lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, 38% lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và 61,5% lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 53% lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Tiền lương bình quân của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp khoảng 7,2 triệu đồng/người/tháng (theo báo cáo của 185 doanh nghiệp, sử dụng 58.444 lao động). Mức thu nhập này chưa được cải thiện, mà chỉ tương đương tiền lương bình quân năm 2023 của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, sau Tết Nguyên Đán có 98,2% số lao động đã quay trở lại làm việc, tăng 0,3% so với năm 2023; số lao động không quay trở lại làm việc sau Tết đa số là lao động tỉnh ngoài, lao động ở xa doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm. Doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, doanh nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp có liên quan, hoạt động sản xuất khởi sắc. Doanh nghiệp ngành sản xuất ô tô, xe máy tiếp tục đối mặt với khó khăn, thị trường tiêu thụ ảm đạm.
Sáu tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo đã tuyển 10.484 lao động (giảm 4.833 lao động so với cùng kỳ năm 2023), thấp hơn số lao động doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ. Trong đó, 9.969 lao động do các doanh nghiệp FDI tuyển dụng, chiếm 92,2% tổng số lao động doanh nghiệp đã tuyển Quý I và Quý II năm 2024.
Các doanh nghiệp đã chấm dứt HĐLĐ với 14.005 lao động (cao hơn 37,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, 77,1% lao động làm việc tại các doanh nghiệp điện tử (6.513 người); dệt may, da giày (2.647 người) và sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện, phụ tùng, sản phẩm phụ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy (1.632 người).
Lý do chấm dứt HĐLĐ chủ yếu là người lao động xin nghỉ việc (chiếm 60%) và hết hạn hợp đồng lao động hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ (chiếm 19%). Trong đó, các doanh nghiệp phải đơn phương chấm dứt HĐLĐ với 91 lao động do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chiếm 0,7% tổng số lao động chấm dứt HĐLĐ, tăng 28 người so với 6 tháng đầu năm 2023.
Có khoảng 27 doanh nghiệp sử dụng 11.986 lao động (trong số hơn 100 doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh), báo cáo phải áp dụng các biện pháp về lao động với 12.002 lượt người, do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Bao gồm, bố trí cho 5.744 lượt lao động nghỉ phép năm; cho 1.778 lượt lao động nghỉ việc luân phiên; giảm giờ làm của 1.629 lượt lao động; thỏa thuận với 2.760 lao động ngừng việc có trả lương ngừng việc và chấm dứt HĐLĐ với 91 lao động.
Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng tình hình quan hệ lao động nhìn chung ổn định, ít phát sinh vấn đề phức tạp.
Hà Trần (t/h)