Ông Lê Hồng Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng phần lớn ở các cơ sở buôn bán nhỏ, tập trung chủ yếu ở các thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường).

Trong đó, tình trạng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm “nhái” các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường ngày càng phổ biến.

Các đối tượng chủ yếu sử dụng phương thức quảng cáo, bán hàng, kết nối với khách hàng thông qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo...) do kết nối được một lượng khách hàng lớn mà không cần đầu tư địa điểm kinh doanh, chi phí quảng cáo; việc giao hàng - thu tiền thực hiện qua các đơn vị chuyển phát nhanh.

Lực lượng QLTT tỉnh tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa các loại mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng giả lưu thông trên thị trường.
Lực lượng QLTT kiểm tra, ngăn ngừa các loại mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng giả lưu thông trên thị trường.

Đối với các cửa hàng bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, người bán thường chỉ để một số lượng nhỏ hoặc vỏ hộp trưng bày, giới thiệu với khách hàng, cất giấu số lượng hàng hóa ở nơi khác để tránh hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng.

Nhằm từng bước thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật được các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng.

Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức in và phát 6.300 quyển sách giới thiệu cách phân biệt hàng thật – hàng giả của một số nhãn hiệu hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh; treo 100 băng rôn tuyên truyền các quy định của pháp luật trong các dịp: Tết Trung thu; Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11; Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021...

Đồng thời, tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế với sự tham giả của 300 cơ sở kinh doanh...

Các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh duy trì thực hiện các chuyên mục: "Vệ sinh an toàn thực phẩm", “Nói không với thực phẩm bẩn”, “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng”...

Công tác kiểm tra được các lực lượng chức năng tập trung vào các cửa hàng, quầy hàng, kho hàng, cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn tỉnh; tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Qua kiểm tra, trong năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh đã khởi tố 1 vụ án hình sự đối với 2 bị can về tội sản xuất mỹ phẩm giả; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 38 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 224 tỷ đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu; kinh doanh mỹ phẩm quá hạn sử dụng...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, việc kinh doanh các loại hàng hóa như: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền được các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua các website điện tử, các trang mạng xã hội rất phổ biến, các đối tượng giới thiệu rồi gửi hàng qua mạng lưới chuyển phát gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Mặt khác, các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng hầu hết mang nhãn hiệu nước ngoài (Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản...) trong khi nhiều nhãn hàng không có các đại diện thương hiệu, chi nhánh ở Việt Nam nên không có hàng thật để đối chiếu, so sánh.

Một số trường hợp đại diện các nhãn hàng không tích cực hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin, sản phẩm chính hãng để phục vụ công tác giám định, gây khó khăn cho công tác xác định, xử lý hàng giả. Thời hạn kiểm định, giám định, thẩm định sản phẩm lâu, phức tạp; số lượng mẫu giám định nhiều trong khi chi phí giám định cao. Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cao trong khi chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh trong lĩnh vực này, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường sự phối hợp, đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn trong hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng các loại dược phẩm, mỹ phẩm giả, không đảm bảo chất lượng cũng như các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất kinh doanh để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, chính bản thân người tiêu dùng hãy là những "khách hàng thông thái", tránh lạc vào "ma trận" giữa hàng thật - hàng giả, ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh "tiền mất, tật mang".

Hồng Nhật