Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS có hơn 55.000 người, chiếm gần 5% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Mường, Nùng…

Đồng bào các DTTS của tỉnh sinh sống tập trung ở khu vực ven dãy núi Tam Đảo và núi Sáng của 5 huyện, thành phố gồm: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và TP. Phúc Yên.

Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong đó, việc lồng ghép và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đặc biệt quan tâm.

Huyện Tam Đảo hiện có hơn 90 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS là gần 40 nghìn người chiếm 42,5% dân số toàn huyện, gồm các dân tộc Sán Dìu, Tày, Nùng, Mường, Cao Lan, H’Mông, Thái, Khơ Me, Hoa… trong đó, phần lớn là dân tộc Sán Dìu. Trên địa bàn huyện có 7/9 xã, thị trấn nằm trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tam Đảo triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát huy hiệu quả với nhiều mô hình nổi bật như: vùng trồng cây su su ở xã Hồ Sơn, mô hình nuôi gà đẻ trứng, gà thịt ở xã Tam Quan; nuôi chim bồ câu ở thị trấn Hợp Châu, nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt ở các xã Yên Dương, Minh Quang, Đạo Trù... góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.

Huyện còn phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cho các đối tượng là người DTTS, người nghèo, người thuộc gia đình chính sách. Năm 2023, huyện hỗ trợ đào tạo nghề cho 866 người, trong đó, có 356 người DTTS; giải quyết việc làm cho 3.145 người; giới thiệu xuất khẩu lao động cho 24 người.

Tính đến cuối năm 2023, huyện Tam Đảo chỉ còn 193 hộ nghèo, trong đó có 120 hộ DTTS, chiếm 62%. Các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là chính sách dân tộc luôn được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Người cao tuổi dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô truyền dạy chữ viết và những bài hát cho thế hệ trẻ.
Người cao tuổi dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô truyền dạy chữ viết và những bài hát cho thế hệ trẻ.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 được triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi gồm: Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (huyện Tam Đảo); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Ngọc Thanh (TP Phúc Yên); Quang Yên (huyện Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch).

Chương trình đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Việc triển khai thực hiện Chương trình đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi nói riêng và của tỉnh nói chung, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện.

Đến nay hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành và vượt mục tiêu, trong đó chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi cuối năm 2023 của tỉnh đạt khoảng hơn 53,5 triệu đồng/người, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2022 (năm 2022 đạt 51,6 triệu đồng/người). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm chỉ còn 1,34% (số hộ nghèo là DTTS còn 282 hộ).

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục đặt mục tiêu tất cả các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi có hệ thống đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được cứng hóa toàn bộ; 100% trường, lớp học, trạm y tế tại các xã, thôn được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn; 100% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế; tất cả phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo vùng DTTS và miền núi đạt hơn 70%, trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt từ 40% trở lên…

Để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.

Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…

Hà Trần (t/h)