Từ quá khứ phải hứng chịu chiến tranh, bom đạn, phân ly, với máu lửa và nước mắt, Việt Nam muốn chia sẻ sứ mệnh chung của cộng đồng quốc tế gìn giữ hòa bình - Thủ tướng phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 27/9 (giờ địa phương).

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã đến tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68 diễn ra ngày 27/9 tại New York (Mỹ).

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu nhấn mạnh thông điệp gìn giữ hòa bình.

Hành vi thiếu trách nhiệm dẫn tới xung đột

Khẳng định hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo nhưng Thủ tướng cho rằng nguy cơ chiến tranh vẫn chưa được loại bỏ. Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi - gần đây nhất là ở Syria nơi thế giới mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học đồng thời dành cho hòa bình mọi cơ hội, tìm mọi giải pháp hòa bình để loại bỏ vũ khí hóa học dựa trên luật pháp quốc tế và các nghị quyết của LHQ.

Hay vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên. Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ....

“Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh“ - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng phát biểu trước phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ khoá 68. Ảnh: VGP

Đề cập vấn đề ở Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh bảo đảm an ninh an toàn hàng hải là lợi ích thiết thực không chỉ đối với khu vực mà cả thế giới.

“Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)“ - Thủ tướng cho hay.

Ngăn chặn hành động trái Hiến chương LHQ

Thủ tướng cũng cho rằng, xung đột, chiến tranh chỉ có thể được ngăn chặn khi những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền... phải được đấu tranh loại bỏ.

"Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi  các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn đạo đức lên nhau; khi vai trò của LHQ, của Hội đồng bảo an LHQ được phát huy... Và trên hết là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể, như việc dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba hay công nhận quyền tự quyết của Palestin".

Nhấn mạnh trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trông đợi các nước lớn là những tấm gương trong kiến tạo hòa bình, Thủ tướng cho rằng, Hội đồng bảo an LHQ cần là điểm tựa, động lực để các quốc gia, các dân tộc cùng chung tay gìn giữ hòa bình...

Xóa đói giảm nghèo

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu bật thông điệp về xóa đói giảm nghèo, khẳng định các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là nỗ lực chống đói nghèo thành công nhất trong lịch sử.

Nhưng ông nêu rõ khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục gia tăng và kêu gọi trách nhiệm chung tay của tất cả các quốc gia, sự hỗ trợ của người giàu hơn, nước phát triển hơn.

Đại diện các tổ chức LHQ chúc mừng sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu. Ảnh: VGP

“Sự hỗ trợ đó không phải chỉ bằng tấm lòng nhân ái "lá lành đùm lá rách“ mà trước hết cần bằng trách nhiệm bởi trong sự giàu có của nhiều người, sự phát triển của nhiều nước không phải không có phần đáng ra thuộc về những người nghèo, nước nghèo’’ - Thủ tướng nói.

Đó cũng là việc thực hiện Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015 nhằm bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hợp tác, xóa hết đói nghèo và bảo vệ hành tinh, tăng cường sự trợ giúp và có lộ trình phù hợp để các quốc gia kém phát triển hơn tham gia hiệu quả vào các thỏa thuận, chế định quốc tế và giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.

Đóng góp cho hòa bình thế giới

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tuyên bố Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Ông chỉ rõ, từ quá khứ phải hứng chịu chiến tranh, bom đạn, phân ly, với máu lửa và nước mắt, Việt Nam muốn chia sẻ sứ mệnh chung của cộng đồng quốc tế gìn giữ hòa bình.

’Đã phải trải qua chiến tranh tàn khốc và đói nghèo cùng cực nên khát vọng hòa bình và thịnh vượng của chúng tôi càng cháy bỏng. Chúng tôi luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Chúng tôi sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp chúng tôi giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo” - ông cho hay.

Không chỉ những nỗ lực xây dựng, đổi mới đất nước sau chiến tranh, Việt Nam cũng nỗ lực cùng các thành viên khác xây dựng Cộng đồng ASEAN - ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á, vốn bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh.

Đó là minh chứng sống động cho khát khao hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng; cho sự thống nhất trong đa dạng và cho thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Theo vietnamnet