Theo ghi nhận, không chỉ trồi sụt về mặt điểm số, thanh khoản cũng trở nên “mất hút”. Tần suất các phiên giao dịch giá trị thấp xuất hiện khá dày. Điển hình, phiên 9/1 vừa qua, giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt hơn 6.600 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 21 tháng. Đáng chú ý, đà sụt giảm của thanh khoản không chỉ diễn ra mới đây mà đã hình thành xu hướng rõ rệt từ giữa năm ngoái.
Bên cạnh đó, dòng tiền nội hạn chế, khối ngoại cũng “tháo chạy”. Từ đầu năm đến nay, nhóm nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị lên tới gần 3.000 tỷ đồng chỉ sau 9 phiên giao dịch. Trước đó, riêng trong năm 2024, giá trị bán ròng trên HoSE vượt hơn 90.000 tỷ đồng, con số kỷ lục trong lịch sử.
Diễn biến thị trường nửa đầu tháng 1 năm nay có phần trái ngược so với hàng năm khi VN-Index thường biến động khá tích cực trong giai đoạn này với xác suất tăng điểm lên tới 70%.
Bên cạnh đó, giai đoạn quý I, đặc biệt trong tháng 1/2025 cũng là lúc khối ngoại thường mua ròng trên sàn chứng khoán. Kể từ 2015, có tới 7/10 năm khối ngoại mua ròng cổ phiếu Việt Nam, nổi bật năm 2018 và 2022, giá trị mua ròng các năm lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 1 năm nay, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn diễn ra khá mạnh.
Lý giải về nguyên nhân khiến chứng khoán Việt Nam ảm đạm, các chuyên gia cho rằng, tháng 1/2025 là quãng thời gian chuẩn bị “đón Tết âm lịch” của nhà đầu tư, thanh khoản thị trường gần Tết Nguyên đán qua các năm thường khá thấp. Thêm nữa, nhà đầu tư có tâm lý nghỉ Tết sớm để phòng tránh rủi ro về thông tin bất lợi từ thế giới trong khi thị trường nghỉ giao dịch trong Tết. Do đó, việc tháng 1 có thanh khoản ảm đạm đến từ yếu tố "mùa vụ" không phải vấn đề quá lo ngại. Vấn đề lớn hơn đến từ sự thận trọng của nhà đầu tư trước nhiều áp lực đè lên thị trường.
Trong năm 2024, tỷ giá USD/VND mất giá khoảng 5%. Sang đầu năm 2025, tỷ giá dù có phần "hạ nhiệt" nhờ các biện pháp bình ổn của NHNN nhưng vẫn đang neo ở vùng đỉnh lịch sử, trong khi chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) vẫn tiếp tục gia tăng khiến giới đầu tư ít nhiều lo ngại về áp lực tỷ giá.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại vẫn chưa trở lại, thậm chí tiếp tục bán ròng dù kỳ vọng nâng hạng trong năm nay là khá "sáng" càng khiến thị trường "lặng sóng".
Một vấn đề không mới nhưng cũng không dễ giải quyết là sự thiếu vắng hàng hoá mới niêm yết cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thị trường thiếu động lực bứt phá. Cơ cấu thị trường gần như bị đóng khung, tỷ trọng lớn vào nhóm Bất động sản, tài chính, không có những nhân tố mới trong những ngành “hot” đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, theo nhận định từ ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Pinetree, việc VN-Index diễn biến ảm đạm, thanh khoản thấp và không có sự đồng thuận làm cho thị trường hiện tại đang rơi vào trạng thái “trả điểm” của nhịp tăng tháng trước.
Trước đó, nhịp tăng cuối tháng 11 và 12/2024 đến từ việc dòng tiền lựa chọn các cổ phiếu trụ hay còn gọi là sóng “chốt NAV” – thời điểm các quỹ, công ty chứng khoán chốt giá trị tài sản cuối năm.
Trong báo cáo mới đây, SGI Capital, định giá thị trường Việt Nam không hấp dẫn nhiều hơn các thị trường khác dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính, và bất động sản. Bởi vậy, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu.
Thu Trang(t/h)