Theo đó, lãi suất huy động TPCP giảm mạnh về mức 3,05% loại kỳ hạn 5 năm, 3,4%/năm cho kỳ hạn 7 năm và kỳ hạn 10 và 15 năm đã về mức 4,4%/năm và 4%/năm tương ứng.

Lãi suất thấp nhất 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nếu trừ đi CDS (mức độ rủi ro của trái phiếu), lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện còn thấp hơn trái phiếu chính phủ Mỹ ở một số kỳ hạn và theo dự báo, sẽ còn tăng trong năm nay. Do đó, thị trường trái phiếu Việt Nam không hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, thay vào đó các NHTM vẫn đang là thành viên tham gia đấu thầu chính trên thị trường trái phiếu.

Vốn trái phiếu dư thừa: Đẩy mạnh đầu tư công - Hình 1

Cần đẩy mạnh vào đầu tư công để giảm các nguy cơ xấu

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn lo ngại sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu Mỹ trong thời gian tới sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, đầu tư sang Mỹ hoặc các thị trường khác. Nếu điều này xảy ra ồ ạt, sẽ là yếu tố bất lợi đối với hệ thống NH nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trong khi đó, sức ép về lãi suất TPCP thấp cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà băng, bởi các NH đang huy động vốn trung, dài hạn trên thị trường với lãi suất 6 - 7%/năm.

So với mức lãi suất mua TPCP và lãi suất cho vay thì các nhà băng đang phải bù lỗ cho những khoản vay lớn. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, buộc các NH phải bán tháo TPCP hoặc phải mua trái phiếu kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, cách làm này sẽ nhiều rủi ro do nền kinh tế thay đổi có tính chu kỳ.

Bên cạnh đó, các nhà băng có thể phải tăng lãi suất cho vay, giảm lãi suất huy động. Điều này sẽ bất lợi cho nền kinh tế, bởi hiện nay sức hấp thụ vốn của các DN còn yếu.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính riêng trong tháng 3, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 1,42 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 148,8 nghìn tỷ đồng, tăng 77,5% về giá trị so với tháng 2.

Đẩy mạnh đầu tư công

Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho biết, tính đến hết quý 1, Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành 38.758 tỷ đồng TPCP, đạt 86% kế hoạch phát hành quý I. Tuy nhiên, việc chậm giải ngân vốn TPCP làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

KBNN cho biết, hiện nay số tiền thu được từ phát hành TPCP đang dư thừa nhiều do giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm. Do đó, kể từ cuối năm 2017 đến nay, KBNN tăng gửi tiền tại các NH.

Ủy ban này cũng cho biết, thanh khoản của hệ thống NH 3 tháng đầu năm dồi dào, chủ yếu do NHNN bơm tiền ra mua ngoại tệ và do TPCP giải ngân chậm.

Tính đến cuối năm 2017, KBNN đã gửi 10,7 tỷ USD tại các NHTM cổ phần. Con số này, gấp đến 3,3 lần cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, khoản tiền dư thừa đang được gửi về trước mắt là có lợi cho các NH; tuy nhiên, chưa hẳn đã tốt cho chính sách tài khóa. Lượng tiền thừa này có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như lạm phát, thanh khoản ảo, bong bóng TPCP…

Thị trường tiền tệ hiện nay đang rất ủng hộ và đi theo đúng định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, khi thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo, tỷ giá ít biến động, lạm phát ở mức thấp và có dư địa để hạ lãi suất trên thị trường 1. Tuy nhiên, nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư tăng mạnh trở lại, KBNN Trung ương sẽ phải rút tiền từ các NH và chuyển vốn cho KBNN của các địa phương, qua đó gây áp lực về thanh khoản trên thị trường tiền tệ.

Để giảm bớt tình trạng thừa tiền, các chuyên gia cho rằng, cần phải đẩy mạnh đầu tư công, bởi các dự án sử dụng nguồn vốn từ NSNN chậm được triển khai - sẽ cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát bình quân 4% trong năm 2018. Từ đó, nó sẽ đe dọa đến tỷ lệ bội chi NSNN cũng như trần nợ công quốc gia./.

Thế Long - Huyền Anh