Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với TP Hà Nội về các dự án đầu tư công - Hình 1

Quang cảnh buổi làm việc

Đó là Dự án mở rộng đường vành đai 3 từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long (sử dụng ngân sách Nhà nước) và Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội (sử dụng vốn ODA).

Theo Phó Thủ tướng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch đang gây cản trở sự phát triển chung của nền kinh tế trong thời gian qua. Nguyên nhân là do từ năm 2016 cả nước triển khai nhiều công trình mới sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ có thủ tục phức tạp; hệ thống pháp luật về đầu tư công thiếu đồng bộ, thống nhất với 12 luật, hơn 100 nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, khả năng thực thi của các bộ, địa phương cũng là trở ngại đối với giải ngân vốn đầu tư công.

Luật Đầu tư công hiện tại đã khắc phục tình trạng đầu tư lãng phí, dàn trải nhưng lại sinh ra nhiều thủ tục làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang nỗ lực chuẩn bị hồ sơ, báo cáo Quốc hội đưa dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 tới để cuối năm Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, Chính phủ đang chỉ đạo sửa các Nghị định số 77, Nghị định số 161 hướng dẫn Luật Đầu tư công, Nghị định số 136 về thủ tục đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan tới khung khổ đầu tư công trung hạn. Việc sửa đổi các pháp luật này sẽ góp phần quan trọng, khắc phục bất cập hiện nay.

Chính phủ lựa chọn khảo sát, làm việc với TP. Hà Nội khi địa phương này cũng là thành viên của Ban soạn thảo Luật Đầu tư công, có cơ cấu vốn đầu tư công đầy đủ (gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn ngân sách, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư công trung hạn của cả nước) nên thực tế và bài học từ Hà Nội sẽ có ý nghĩa đối với Chính phủ, các địa phương khác trong khắc phục hạn chế của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá những năm qua, đặc biệt năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, Hà Nội rất quan tâm tới giải ngân vốn đầu tư công với nhiều cách làm hay, mô hình tốt.

Tuy nhiên trong năm 2018, Thành phố phải hoàn thành và đưa vào sử dụng 89/117 công trình, nhưng tới nay mới triển khai được gần 10 công trình, đây sẽ là thách thức cần tập trung thực hiện, giúp cả nước hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao.

“Chúng ta có tiền mà không tiêu được là thiếu trách nhiệm, một đồng đầu tư công đưa vào càng sớm, công trình đưa vào hoạt động càng tốt thì tạo điều kiện cho vấn đề tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động và thuế cho ngân sách Nhà nước, giải quyết được các cân đối vĩ mô hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Do vậy, ngoài đoàn công tác của Chính phủ đốc thúc các địa phương, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động kiểm tra, đôn đốc từng sở, ngành, địa phương. Nhiệm vụ còn rất nặng nề từ giải phóng mặt bằng đến triển khai các dự án, nhất là khắc phục tình trạng sợ sai trong ra quyết định.

“Đương nhiên chúng ta phải làm đúng, làm nhanh, có tính quyết đoán, tăng cường bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong xây dựng kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công. Anh nào không quyết đoán được hay ôm hồ sơ, xử lý chậm phải gạt sang một bên để thay thế”, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc quản lý nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn về thẩm quyền quyết định, phân cấp hơn nữa cho địa phương, đặc biệt là dự án sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương... Các bộ và TP. Hà Nội đánh giá khả năng nhu cầu giải ngân với 3 dự án đường sắt đô thị bổ sung để các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời kế hoạch đầu tư công trung hạn.

PV