Các đồng chí lãnh đạo chứng kiến Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN phân phối với các quận, huyện
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Thành phố có 1.868 trang trại, trong đó có 12 trang trại trồng trọt, 1.466 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp, 156 trang trại nuôi trồng thủy sản và 234 trang trại tổng hợp; có 907 HTX nông nghiệp, trong đó, có 863 HTX dịch vụ nông nghiệp…
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi: Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Đề án phát triển chăn nuôi, Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản… Qua đó, đã hình thành và phát triển được 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa, hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành; hình thành và quản lý 5.000ha rau an toàn; đã hình thành rõ nét 76 HTX chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư…
Để hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm, Thành phố đã hỗ trợ công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ; tổ chức các hội nghị kết nối, giao thương để kết nối nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối. Đồng thời, hàng năm Sở Công thương đã đưa một số doanh nghiệp phân phối xuống trực tiếp các địa phương, vùng sản xuất để hướng dẫn cho nông dân, các HTX… cách bảo quản, sơ chế, đóng gói, nhãn mác đáp ứng yêu cầu của thị trường, kênh phân phối hiện đại.
Qua việc kết nối của Sở Công thương, sản phẩm thịt lợn của các vùng sản xuất Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh được giết mổ, tiêu thụ qua Công ty cổ phần CNTP Vinh Anh, Công ty CP thực phẩm Nam Hà Nội; sản phẩm từ gia cầm, trứng gia cầm từ các vùng Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn được các Công ty Minh Hiền, Tiên Viên, Ba Huân tiêu thụ, chế biến; sản phẩm rau, củ của vùng trồng rau an toàn Vân Nội, huyện Đông Anh, Thanh Đa – Phúc Thọ, các loại cam canh, bưởi diễn, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn Hoài Đức… đã được kết nối, tiêu thụ tại các siêu thị, kênh phân phối hiện đại trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay, việc kết nối tiêu thụ nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nhất là trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư sản xuất nông nghiệp; sản lượng và chất lượng sản phẩm còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu và các điều kiện về hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Mặt khác, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm…
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, HTX đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong việc kết nối hàng hóa và đưa ra những kiến nghị với Thành phố, trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản giúp doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quan trọng, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng/khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng của Thành phố và vùng Thủ đô. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành. Từ đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.
Cùng với đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và khuyến nông, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sản xuất, trong đó ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt các chuỗi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…
Đồng thời, chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí về hàng rào kỹ thuật theo yêu cầu. Từ đó, có thể bảo đảm toàn bộ sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra là sản phẩm an toàn, đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, nâng cao tỷ lệ sản phẩm truy xuất được nguồn gốc hằng năm.
Thanh Bình