Tích cực hơn nữa trong công tác an toàn thực phẩm - Hình 1

    
ATTP là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người. Thời gian qua, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Vệ sinh ATTP là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều khâu có liên quan đến thực phẩm như sản xuất nông nghiệp, thú y, cơ sở chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, y tế, người tiêu dùng… Trong đó, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng.

Công tác truyền thông về thực trạng ATTP là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Nhà nước và các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này, tuy nhiên kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm ATTP gặp rất nhiều khó khăn thách thức.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến thực trạng công tác tuyền thông ATTP của các bên liên quan, qua đó xác định trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin và xử lý phản hồi liên quan tới lĩnh vực ATTP; đóng góp các kiến nghị, giải pháp thiết thực để tháo gỡ, khắc phục những vấn đề tồn tại của công tác truyền thông. Hội thảo hướng tới mục tiêu kết nối các bên cùng hành động, đề xuất mô hình truyền thông hiệu quả, có sự hợp tác, tham gia của nhiều thành phần; cơ quan Nhà nước, báo chí, doanh nghiệp, người tiêu dùng, tổ chức xã hội, đồng thời xây dựng được mạng lưới truyền thông trong lĩnh vực ATTP.

Ông Trần Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, thời gian qua hiệu quả công tác truyền thông chưa cao; chưa kết nối được thực phẩm sạch, các địa chỉ xanh với người tiêu dùng; chưa công khai được cơ sở vi phạm ATTP, các địa chỉ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông, tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn, y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm; kiến thức và hiểu biết về ATTP của người dân còn rất hạn chế…
Do đó, để công tác truyền thông về ATTP đạt được hiệu quả cao cần tập trung hướng mạnh tới cả bốn cấp độ của con đường thay đổi hành vi: nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, tạo dựng niềm tin và thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng về ATTP. Bám sát theo chuỗi giá trị của sản phẩm theo mô hình: “Từ trang trại đến bàn ăn”, bao gồm các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Truyền thông cần hướng tới mục tiêu kết nối được thực phẩm sạch, các địa chỉ xanh với người tiêu dùng, đồng thời công khai được cơ sở vị phạm ATTP. Chú trọng đến truyền thông tư vấn trực tiếp với người dân của cán bộ có chuyên môn.

Bà Nguyễn Thị Yến – Phó trưởng Phòng Truyền thông - Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP đã được tăng cường trong thời gian qua với nhiều hình thức đa dạng. Mặc dù vậy, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng thừa nhận: “Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý ATTP”.

Kết luật hội thảo bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá công tác truyền thông về ATTP muốn đạt hiệu quả cao cần phải có sự tham gia, phối hợp của nhiều thành phần: cơ quan Nhà nước – báo chí – doanh nghiệp – người tiêu dùng – tổ chức xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ATTP; xây dựng được mạng lưới (nhóm công tác) trong lĩnh vực truyền thông về ATTP; thái độ và cách ứng xử của người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong truyền thông về ATTP.

Linh tuệ/ Sở Y tế Hà Nội