Chiều ngày 10/12, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã tiến hành bắt khẩn cấp 3 đối tượng có trách nhiệm trong Công ty rượu nếp 29 Hà Nội. Sau khi bị bắt, ông Nguyễn Duy Vường (46 tuổi), giám đốc công ty rượu nếp 29 Hà Nội đã khai nhận với cơ quan cảnh sát điều tra Quảng Ninh việc pha "nhầm" cồn công nghiệp vào rượu bán ra thị trường. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc nhầm lẫn này rất có “vấn đề”…


Doanh nghiệp bảo: “Nhầm”

Theo Cơ quan điều tra, trước khi bị bắt giữ (10/12), ông Nguyễn Duy Vường - 46 tuổi, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (có trụ sở tại Q.Long Biên, TP.Hà Nội) khai nhận: Lô rượu nếp 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10 có độc tố methanol vượt hàng nghìn lần ngưỡng cho phép là do quá trình sản xuất pha chế nhầm từ cồn thực phẩm sang cồn công nghiệp. Cũng theo ông Vường, lô cồn thực phẩm thường được đơn vị nhập từ một đơn vị bên ngoài về để chế biến, sản xuất ra rượu.

Sau khi bị bắt khẩn cấp, bước đầu ông Nguyễn Duy Vường đã khai nhận tại cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Ninh về nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do bản thân đã không kiểm soát quá trình nhập cồn vào để pha chế rượu dẫn đến nhập “nhầm” cồn công nghiệp thay vì nhập cồn thực phẩm.

Ông Vường cũng thừa nhận theo quy trình thì sau khi sản xuất rượu xong phải kiểm tra lại nồng độ Methanol rồi mới đóng chai. Tuy nhiên, khâu này đã bị bỏ qua nên mới có rượu độc được bán ra thị trường.

Được biết, cồn công nghiệp mà công ty rượu nếp 29 đã dùng để sản xuất rượu bán ra thị trường chính là sản phẩm dùng trong in ấn, may mặc và đánh bóng Vecni. Số cồn này được nhập từ bên ngoài không do công ty sản xuất.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, 2 loại cồn này đều chung công thức hóa học, là chất lỏng không màu, tan vô hạn trong nước, dễ bay hơi, dễ cháy, mùi thì phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất ra chúng.

Cồn thực phẩm nồng độ tiêu chuẩn thường là 98% và loại bỏ hoàn tạp chất nên dùng để sản xuất rượu, đồ uống có cồn, nước ướp gia vị, chiết xuất dược liệu, pha chế thuốc, vệ sinh, sát trùng, mỹ phẩm…

Còn cồn công nghiệp thì vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn tạp chất, nồng độ của nó thường dao động khoảng 95%, trong đó 5% có thể là methanol hoặc cồn ipa. Cồn công nghiệp chủ yếu được dùng trong công nghiệp in, công nghiệp điện tử, dệt may, chế phẩm đánh bóng vécni…

Do giá thành rẻ nên có rất nhiều người đã vì lợi nhuận đã cố tình pha vào rượu đem bán, đặc biệt là ở nước ta thời gian qua có rất nhiều người tử vong do tính chất độc hại trong cồn công nghiệp gây ra.

Hiện cơ quan công an tiếp tục truy cứu hồ sơ, chứng từ liên quan cũng như trách nhiệm từng các nhân trong việc pha chế để làm rõ hành vi của từng đối tượng.

Dư luận hồ nghi…!

Theo tìm hiểu, Cty cổ phần xuất nhập khẩu  29 Hà Nội đã từng được Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm số 1976/2009/ ATTP – CN (giấy chứng nhận này không có thời hạn hiệu lực).

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cũng cho thấy, Cty Cổ phần XNK 29 Hà Nội (gọi tắt Cty 29) từng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý liên quan chất lượng và các thủ tục, quy định về việc sản xuất, kinh doanh rượu. Từ năm 2009 tới nay, cơ quan chức năng đã 5 lần kiểm tra, xử phạt Cty này.

Cụ thể, ngày 5/12/2009, Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra Cty 29, phát hiện Cty không có giấy phép sản xuất rượu, không thông báo địa điểm kinh doanh, không có giấy chứng nhận tập huấn VSATTP. Đội QLTT số 17 lập biên bản đề xuất Chi cục QLTT Hà Nội xử phạt Cty 11,2 triệu đồng.

Ngày 29/12/2011, Đội QLTT số 14, phối hợp Phòng 6 C49 (Bộ Công an) kiểm tra Cty 29, tạm giữ 268 chai rượu vang đỏ loại 10vol, 750ml có dấu hiệu kém chất lượng so với bản công bố chất lượng. Ngày 9/1/2012, Đội QLTT số 14 lập biên bản và quyết định xử phạt Cty 4 triệu đồng. Ngày 14/9/2012, Đội QLTT số 16 lại kiểm tra Cty 29, xử phạt 3 triệu đồng về hành vi ghi nhãn không đúng quy định.

Sự việc khiến 6 người chết do ngộ độc rượu tại Quảng Ninh chỉ trong vòng từ ngày 20/12 đến ngày 8/12/ 2013 khiến dư luận cho rằng việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với Cty rượu 29 là có vấn đề.

Câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp quá “tinh vi” hay các cơ quan chức năng “cố tình” để DN qua mặt? Vì sao 1 cơ sở từng bị xử phạt hành chính nhiều lần với số tiền phạt lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng chưa một lần bị đình chỉ hoạt động liên quan đến các sai phạm, mỗi lần kiểm tra mẫu kiểm nghiệm đều không phát hiện thấy sai phạm. Các mẫu, khi kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn, chỉ đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới phát hiện ra các sai phạm tồn tại? Và “thủ phạm” dẫn đến cái chết của 6 nhân mạng lại ráo hoảnh khai rằng, do “nhầm” lẫn?

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó GĐ Sở Công thương cho biết: Theo quy định của pháp luật, đơn vị sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra, hậu kiểm nhưng trên địa bàn với chức năng nhiệm vụ của QLTT chúng tôi có rất nhiều việc phải làm!

Trong khi đó, ông Phan Hữu Châu - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường thành phố Hà Nội cho rằng do nhân lực thiếu nên không thể kiểm soát hết địa bàn.

Đình Sơn