THCL Trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Xuân 1975, chúng ta đã có cuộc hành quân thần tốc “có một không hai” trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh. Lúc đó, đồng chí trịnh Văn Thư là Chính ủy, tôi là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 27, Đại đoàn Đồng bằng, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng).

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu

“Nên đánh vào Sài Gòn theo trục đường 13”…

Tháng 3/1975, Trung đoàn chúng tôi hành quân thần tốc từ Tam Điệp (Ninh Bình) bằng phương tiện cơ giới, tập kết ở Đông Hà (Quảng Trị), tham gia chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng; sau đó, từ đường Trường Sơn, vào tập kết ở Đồng Xoài (Đông Nam Bộ), chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam.

Trong cuộc hành quân này, tôi nhớ nhất là khi đến đèo Ăng Bun trên đường Trường Sơn, qua đài 15W đi theo đơn vị, chúng tôi nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Bộ đội ta hành quân dài ngày nên rất mệt mỏi. Đường Trường Sơn, đất đỏ bazan bụi mù mịt. Ai nấy toàn thân bụi phủ dày, chỉ còn hở đôi mắt và miệng. Dẫu vậy, song khi nhận được lệnh của Đại tướng, tất cả anh em tràn đầy khí thế, hạ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hành quân suốt đêm ngày để đến địa điểm tập kết tại Đồng Xoài đúng thời gian quy định.

Tại chiến dịch này, một trong những ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi đó là khi bộ đội hành quân đến bắc Lái Thiêu, ngày 29/4/1975, chúng tôi gặp được má Sáu Ngẫu - là cơ sở của cách mạng. Lúc này, khi bị ta đánh ở vòng ngoài, địch dồn về Sài Gòn phòng thủ, trở thành tuyến tử thủ Sài Gòn.

Má Sáu đã cung cấp cho chúng tôi những điểm nơi địch đóng quân. Má nói: “Nên đánh vào Sài Gòn theo trục đường 13, đánh thẳng qua Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình, sau đó đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy quân ở Gò Vấp”.

Má Sáu cho biết, khu vực này có trại Huỳnh Văn Lương, trong trại có khoảng 2.000 lính ngụy quân nên dễ dao động, chúng ta không cần đánh mà nên gọi hàng. Má bảo, ngày mai (30/4/1075), gia đình má sẽ lên xe tăng cùng Quân Giải phóng vào giải phóng Sài Gòn. Nhưng do má đã lớn tuổi nên chúng tôi hứa đánh xong sẽ về thăm má. Sáng ngày 30/4/1975, chúng tôi tiến vào theo trục đường 13, bỏ qua tất cả các cứ điểm.

Đúng như chỉ dẫn của má, chúng tôi chỉ gọi hàng, không đánh, 2.000 lính ngụy ở trại Huỳnh Văn Lương đã đầu hàng.

Tại Lái Thiêu, Tiểu đoàn 5 của chúng tôi vừa đánh, vừa gọi địch ra hàng. Tại các trận đánh ngày 30/4/1975, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình là một trong những mục tiêu khó khăn, ác liệt nhất. Khoảng 9h15, chúng tôi chiếm được cầu và sau đó vào chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy quân. Đến 10h30 ngày 30/4, có 13 cơ sở của Lục quân công xưởng Gò Vấp ngụy quân đã đầu hàng hoàn toàn. Đơn vị đã tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa, tiếp tục cùng với các đơn vị bạn đánh chiếm các mục tiêu còn lại…

Khơi dậy truyền thống quật cường của dân tộc

Những kỷ niệm, ký ức hào hùng năm xưa, thật đáng trân trọng. Song còn có điều quan trọng khác đó là việc vận dụng những bài học ấy vào công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hiện nay như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần phát huy truyền thống, văn hóa, nghệ thuật chiến tranh của nhân dân Việt Nam, tư tưởng “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” cũng như vận dụng bài học chiến tranh nhân dân độc đáo của cha ông ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Hiện nay, để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, chúng ta có 2 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện mới: Hội nhập. Việt Nam là một thành viên của LHQ, thành viên của các nước ASEAN, thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Bởi vậy, chúng ta không chỉ bảo vệ thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên đất liền, trên biển đảo, trên không, mà còn phải có trách nhiệm với cộng đồng các nước khu vực ASEAN, với thế giới trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh toàn cầu, bảo vệ đường hàng hải trên biển...

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, trên cơ sở luật pháp quốc tế và của Việt Nam - Đó là điều cơ bản.

Tôi cho rằng, trong thời bình, chúng ta cần phải xây dựng tốt nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Làm tốt vấn đề này - sẽ góp phần đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, vì khi muốn đánh, kẻ địch phải tính tới sức mạnh của Việt Nam nằm ở đâu (quốc phòng, kinh tế, ngoại giao...).

Muốn thế, chúng ta cần phải tập trung xây dựng kinh tế mạnh. Có kinh tế mạnh mới có quốc phòng mạnh. Phải đầu tư cho quốc phòng, an ninh đủ mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, cả trên đất liền, biển đảo và trên không. Bên cạnh đó, để giải quyết các tranh chấp, cũng như đối sách trong quan hệ ngoại giao với các nước, tôi cho rằng, nếu chỉ đấu tranh trên phương diện ngoại giao chưa đủ, mà ngoại giao với quốc phòng, an ninh cần phải gắn chặt với nhau, đồng thời cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Phải biết khơi dậy văn hóa, truyền thống quật cường của dân tộc, nghệ thuật quân sự Việt Nam bằng cách xây dựng tốt khối đại đoàn kết dân tộc, bởi đây là sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam.

Trong hội nhập kinh tế, chúng ta phải hết sức lưu ý đến tổ chức cơ cấu của Việt Nam, có những nội dung phù hợp với hội nhập chung, nhưng cũng có những yếu tố mang đặc thù riêng của Việt Nam. Vì thế, cần phải khai thác sức mạnh nội lực của Việt Nam - sức mạnh của công nghệ, khoa học Việt Nam, truyền thống lâu đời của Việt Nam.

Phải biết lựa chọn, khai thác những tinh hoa của thế giới, cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - công nghệ...; phát huy được trí tuệ Việt Nam, trên cơ sở khi đưa vào, chúng ta sẽ sáng tạo, cải tiến để những tinh hoa ấy phù hợp với điều kiện của Việt Nam và mang lại hiệu quả cao nhất.

Chúng ta “đi tắt đón đầu”, nhưng phải biết lựa chọn đi đâu, đón cái gì, chứ không phải cái gì cũng đưa vào, vì Việt Nam không đủ sức để có thể làm được tất cả. Hội nhập, nhưng phải lựa chọn mục tiêu, có trọng điểm, có bước đi phù hợp với điều kiện và trình độ của Việt Nam.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu