Đối tượng được xóa nợ

Mới đây (ngày 13/3), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế.

Theo đó, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016. Tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành nghị quyết khoảng 27.753 tỷ đồng.

Nợ đọng này bao gồm tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ các trường hợp được không tính tiền chậm nộp, được xoá nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt nộp chậm... Theo đó, xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ đến trước ngày 1/1/2019 và không tính tiền chậm nộp phát sinh kể từ ngày 1/1/2019 đến ngày Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Xoá nợ đọng thuế gần 1,5 tỷ USD: Ngăn chặn hành vi trục lợi - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Trong các trường hợp không tính tiền chậm nộp có chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu và người nộp thuế là cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt....

Chính phủ đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp và tổ chức nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ.

Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết, song Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra sơ bộ vẫn còn nhiều băn khoăn vì còn nhiều kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng. Điển hình là việc bỏ địa điểm kinh doanh đã đăng ký và chuyển trụ sở sang địa điểm khác, hoặc có thể thành lập pháp nhân mới để trốn thuế.

Uỷ ban thẩm tra đề nghị cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các DNNN, vì hiện đang trong tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa.

Đảm bảo sự công bằng

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý, phải đảm bảo sự công bằng, tránh tình trạng chây ỳ, gian lận để được xoá nợ thuế, còn người thực hiện nghiêm túc lại chịu thiệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý phải xem xét thận trọng về đối tượng và mức độ được xem xét áp dụng. Rồi trách nhiệm của người nợ thuế, người thu thuế ra sao? Tác động thế nào tới chính sách quản lý thuế? Đề nghị chỉ xem xét đối với người chấp hành nghiêm nộp thuế nhưng gặp phải trường hợp bất khả kháng, còn đối tượng vi phạm phải xử lý.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định, sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi vào tháng 5, Chính phủ căn cứ vào luật và tình hình thực tế để rà soát, cân nhắc đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội ban hành nghị quyết xử lý những nội dung cụ thể.

Sau khi dự thảo được công bố, nhiều ý kiến đồng tình việc xóa nợ thuế là cần thiết. Bởi trong nhiều trường hợp, những doanh nghiệp đã phá sản, đã bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh thì dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn đó là làm sao việc xóa nợ thuế này cần được diễn ra một cách công bằng, minh bạch, tránh chuyện thông đồng giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc xóa nợ thuế, xóa tiền phạt, xóa tiền chậm nộp có vẻ là một sự mất mát của ngân sách nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Bởi nhiều doanh nghiệp bị phá sản do thiên tai, lũ lụt hay bị thu hồi giấy phép kinh doanh… dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không.

Ông Long cho rằng, xóa nợ thuế là bài toán khó giải của ngành tài chính, bởi đã là thuế thì một đồng cũng cần thu đủ, nhưng 1,5 tỷ USD là nợ kéo dài đến nay thực chất không thể thu được, lại vướng quy định hiện hành nên cứ “treo”.

“Nợ mà không thể thu hồi được thì để cũng bằng không. Nó sẽ như một bản án treo, thậm chí để còn ảnh hưởng tới doanh nghiệp và mất cân đối thu chi ngân sách. Những trường hợp được đề nghị xóa thì thường sẽ phải xét rất cẩn thận, nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, tránh tình trạng lạm dụng”, ông Long nói.

Ngoài ra, việc xóa tiền chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp bị khó khăn bất khả kháng còn giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có khả năng trả tiền nợ thuế (trường hợp này chỉ xóa tiền chậm nộp chứ không xóa nợ thuế), đồng thời, tạo tiền đề tăng thu ngân sách nhà nước trong tương lai.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, những khoản nợ thuế này nếu không xóa mà treo thì cũng khó thu được, có khi chi phí thu được còn cao hơn số nợ. Tất nhiên, việc xóa phải xem xét hợp lý, không thể xóa một cách ào ạt, cần phân loại rõ ràng.

Tránh chung chi trục lợi

“Hiện tại, mỗi năm có thêm một khoản cả chục nghìn tỷ đồng treo vào thuế nợ, đẩy tổng nợ tích từ năm nọ sang năm kia trong khi đáng ra phải xóa lâu rồi. Nếu những khoản nợ này ta xử lý được sớm thì nhỏ nhưng để lâu nên bây giờ đã lên tới vài chục nghìn tỷ đồng. Chủ trương xóa nợ thuế là hoàn toàn phù hợp nhưng quá trình thực thi phải đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng. Không thể để lợi dụng gây thất thoát của Nhà nước”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Hữu Thực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, khoản nợ thuế nói trên, phần lớn là khoản nợ tồn đọng trong thời gian rất dài, không thể đòi được. Khi người nộp thuế thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi) thì có để kéo dài nữa thì cũng không thể thu. Thêm vào đó, việc xóa tiền chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp bị khó khăn bất khả kháng giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên việc xóa nợ cần được diễn ra minh bạch, công bằng để bảo đảm cân đối ngân sách tài chính nhưng cũng không tạo thành những tiền lệ xấu.

“Chúng ta phải xác định rõ đây là khoản tiền thuộc phạm vi ngân sách nhà nước, là tiền của dân. Phải làm sao thật trung thực, tránh tuyệt đối mọi sự lạm dụng, lợi ích nhóm, lót tay chung chi giữa cơ quan quản lý thuế với doanh nghiệp”, Luật sư Thực nhấn mạnh.

Theo ông Thực, cần đưa ra một số nguyên tắc để rà soát lại các doanh nghiệp. Phải giao, phải quy trách nhiệm trực tiếp cho những cán bộ quản lý số liệu, đưa ra số liệu nợ..., để bảo đảm số liệu đúng, số liệu thật; bảo đảm được sự công bằng, công tâm, không thiên vị. Đặc biệt, việc xóa nợ thuế sẽ không phải xảy ra một hay hai lần, cần có cơ chế kiểm soát chặt, tránh lạm dụng chính sách và thông đồng để trục lợi.

Hoan Nguyễn