THCL Theo NHNN, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, song phía trước còn nhiều thách thức. Giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, mang nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn
Giá trị nợ xấu lớn, tiềm ẩn rủi ro
Theo báo cáo của NHNN trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, tại thời điểm 30/9/2012, nếu ước tính thận trọng thì nợ xấu tương đương 17,21% tổng dư nợ tín dụng. Nếu đánh giá toàn diện và thanh tra chất lượng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) thì nợ xấu có thể còn lớn hơn.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, từ cuối năm 2011 đến cuối 2015, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản, thu hồi nợ từ thi hành án, sử dụng dự phòng rủi ro…
Tính đến 31/12/2015, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2012: 74,68 nghìn tỷ đồng; 2013: 87,98 nghìn tỷ đồng; 2014: 143,55 nghìn tỷ đồng; và 2015: 186,89 nghìn tỷ đồng), trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý (chiếm 55,4%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%.
Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2015 về mức 2,55% tổng dư nợ tín dụng . Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu còn tồn đọng tại VAMC chưa xử lý được thì tổng nợ xấu chiếm tỷ lệ 5,94% tổng dư nợ cho vay theo quy định. Đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46% (giảm so với mức 2,55% vào cuối năm 2015).
Tỷ lệ nợ xấu không giảm nhiều so với cuối năm 2015, do nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ hết thời hạn cơ cấu, nhưng khách hàng không thanh toán được.
Tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng (theo báo cáo số 3542/BC-TCTHADS ngày 25/10/2016 của Tổng cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp).
Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, mang rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD; cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho xử lý nợ xấu, pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Còn tồn tại một số TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao, chủ yếu tập trung ở các TCTD được kiểm soát đặc biệt và một số công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém…
Do đó, đòi hỏi cần sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới, không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.
Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Theo NHNN, quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Nguyên nhân của vướng mắc này, bao gồm nhiều yếu tố.
Trước hết, thị trường BĐS phục hồi chậm, nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn và kéo dài, TSBĐ của bên thứ 3 khó xử lý, quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài.
Thiếu cơ chế ưu đãi, thu hút nhà đầu tư có năng lực mua lại các công trình dự án BĐS lớn đang triển khai dở dang (như tạo cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến bán, chuyển nhượng các tài sản đảm bảo là các BĐS…).
Nhiều khách hàng chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc thanh lý tài sản, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý về TSBĐ. Đối với các khoản vay có tài sản thế chấp là dây chuyền máy móc thiết bị, TSBĐ bị giảm sút giá trị, rất khó khăn trong việc tìm đối tác để thanh lý, giá trị TSBĐ thu hồi được không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ nợ phát sinh của khách hàng…
Trong đó, vướng mắc về mặt pháp lý là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao. Quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu của ngành NH…
Từ đó, NHNN đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu dưới hình thức ban hành Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.
Luật này ra đời - sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng về các phương thức, quy trình xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm phù hợp với đặc thù của hoạt động này để đảm bảo khả thi khi triển khai thực hiện.
Đức Thế