Bài 1: “Hỗn loạn” thị trường thực phẩm chức năng - thần thánh hoá công dụng

Loạt bài này, Thương hiệu và Công luận thực hiện theo Kế hoạch, chỉ đạo của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam là bảo vệ các thương hiệu của doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh chân chính; Chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quảng cáo trên trang web bán hàng, trên bao bì sản phẩm khác với chất lượng. Thực tế, nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), thực phẩm chức năng (TPCN) của doanh nghiệp vi phạm Luật Quảng cáo, bị cơ quan chức năng, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tiến hành xử phạm hành chính nhiều lần đã ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cùng ngành.

Ai cũng hiểu, mối đe doạ từ thực phẩm bẩn ngày càng trở nên nghiêm trọng, hiểm họa bệnh tật ngày càng khó lường khiến người tiêu dùng bắt đầu quan tâm hơn đến việc bồi bổ sức khoẻ bằng thực phẩm chức năng. Với “Cam kết khỏi 100%, không khỏi sẽ hoàn lại tiền, bảo hành trọn đời”, đó là một trong những lời quảng cáo thổi phồng của không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN, TPBVSK là có thể chữa các loại bệnh khiến khách hàng mắc bẫy.

Thực phẩm chức năng… “thần thánh hoá” công dụng

Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 Công ty, gồm: Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Busno Việt Nam, ở tầng 1, toà OTC3B Khu đô thị Handiresco, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Công ty này đã có hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Sangu trên website: https://sangu.com.vn gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, số tiền phải nộp phạt của Công ty này là 50 triệu đồng.

Công ty TNHH Hồng Sâm Hansusam có  trụ sở chính tại phòng 206, tòa nhà Thăng Long Ford, số 105 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội về hành vi buôn bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tinh dầu thông (Cheon Ji Su) (lô số:OB39601, NSX: không có, HSD: 2022.04.14) không có giá trị sử dụng, công dụng và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Korean red ginseng extract power trên website: http://geasungsangin.com mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo với số tiền 230 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 534,5 triệu đồng.

Công ty cổ phần Kiềm Saphia, số nhà 27 ngách 1 ngõ 104 đường Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP.Hà Nội, 45 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Saphia Alkalight, Saphia Alkalixk, Saphia Alkaliub, Saphia Alkali balance, Saphia Alkali dạ dày, Saphia Alkali D-revie X50, Saphia Alkali D-revie X300 trên website: https://kiemsaphia.com/ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

 Sản phẩm trên website: https://sangu.com.vn.

Công ty TNHH Đông Y Xứ Mường ở tầng 2, số 204/4 Hoà Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội 50 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ: Nữ Xuân XM, Bổ phế XM, Dạ dày XM, Xương khớp XM, Nhất Nam Dương trên website: https://dongyxumuong.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cùng với hình thức phạt tiền, trong quyết định xử phạt của Cục An toàn thực phẩm cũng ghi rõ, buộc 04 Công ty nêu trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm về chất lượng.

Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Tình trạng quảng cáo các sản phẩm TPCN, TPBVSK trên facebook diễn ra tràn lan. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm TPCN, nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “đông y trị nhức xương khớp”... Những quảng cáo này, lừa dối người tiêu dùng (NTD). Đây là nỗi bức xúc, không chỉ đối với các cơ quan quản lý, mà của rất nhiều NTD . Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh”.

Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, “mượn” danh bác sỹ, hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng... Quảng cáo là thế. Vậy, chất lượng của những “thần dược” trên có đúng như sự thật hay ngay trong khâu lựa chọn dược liệu, sản xuất đã có vấn đề?

Trong khi sản phẩm TPCN thì quá nhiều “rác” dược liệu, dược liệu nhập lậu theo đường tiểu ngạch diễn ra tràn lan. Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với cơ quan chức năng và cả facebook để phối hợp giải quyết tình trạng này.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, việc lừa dối quảng cáo TPCN, TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Chế tài quản lý thực phẩm chức năng cần phải siết chặt

Có thể thấy, lợi dụng sự dễ dàng trong việc cấp phép hoạt động, cũng như thiếu sự rõ ràng, rành mạch của phía các cơ quan quản lý nên các sản phẩm TPCN cứ “trăm hoa đua nở”. Đặc biệt, do thiếu chế tài trong việc kiểm soát thông tin quảng cáo, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN đã được quảng cáo sai sự thật, gây ra những tổn thất không nhỏ cho những người sử dụng sản phẩm.

 Chỉ cần gõ từ khoá “Thực phẩm chức năng”, Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả trong một thời gian rất ngắn

Số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm hàng tháng thể hiện, Cục buộc phải ra thông báo xử phạt hàng chục công ty liên quan đến vấn đề vi phạm quảng cáo TPCN, TPBVSK. Năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hơn 6 tỷ đồng về các hành vi vi phạm quảng cáo. Nhưng thực trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối.

Ông Phong nhấn mạnh, không lo thiếu TPCN, chỉ lo thiếu TPCN không chất lượng. Nếu không nghiêm khắc, để tình trạng như hiện nay thì những doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc, số tiền lớn cũng như một doanh nghiệp đầu tư dè sẻn, tạo sự không bình đẳng đối với TPCN. Khi chất lượng khó kiểm soát, thì thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng.

 Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm lấy mẫu trên thị trường và gửi đơn vị kiểm nghiệm để kiểm tra mẫu, trường hợp có vi phạm các quy định về các chỉ tiêu, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để “chuẩn hóa” TPCN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, từ ngày 01/07/2019, tất cả cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) của Bộ Y tế. Đây được xem là cơ sở pháp lý để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất TPCN không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Hơn lúc nào hết, cần phải siết chặt thị trường này, tránh để tình trạng nhiều DN làm ăn gian dối ngang nhiên thu lợi nhuận, còn người chịu thiệt thòi nhất vẫn là khách hàng khi lâm cảnh “tiền mất tật mang”, “đang lành chữa thành què” - do sử dụng phải TPCN dởm.

Hoàng Thăng – Lê Pháp