Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, quy định bắt buộc chủ xe máy điện phải đăng ký biển số với cơ quan công an khi tham gia giao thông, nếu không sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, sau gần 1 tuần thực hiện, tình trạng người vi phạm vẫn còn khá phổ biến..

Nhiều người dân chưa biết đến Thông tư 15

Quy định xử phạt người điều khiển xe máy điện vi phạm các quy định về đăng ký biển số bị xử phạt theo quy định của Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014).

Cụ thể tại Khoản 3, Điều 17 quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi, vi phạm: Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định; điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, thực tế, có quá nhiều chủ xe máy điện sẽ không thể đăng ký được do không còn giữ giấy tờ, hóa đơn mua bán; có người không lấy giấy tờ vì nghĩ xe máy điện không phải đăng ký biển số. Một số người đang có nhu cầu mua xe máy điện cũng không biết về nội dung của quy định này. Dù trước đó, từ cuối tháng 5/2014, công tác tuyên truyền thông tư này đã được thực hiện rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh xe máy điện và người dân.

Tại cửa hàng xe máy điện trên phố Nguyễn Trãi (Hà Nội), một khách hàng bất ngờ khi nghe thông tin từ ngày 1/6, xe máy điện buộc phải đăng ký biển số: “Năm 2013, tôi đã mua một chiếc xe máy điện tại đây và không yêu cầu cửa hàng trả hóa đơn đỏ vì nghĩ không cần thiết. Nếu bây giờ phải đăng ký thì xe mới được lưu hành, thì không biết phải làm thế nào?”.

Mất hóa đơn, không có hóa đơn mua bán đang là nỗi lo chung của nhiều chủ xe máy điện đã mua và sử dụng từ nhiều năm nay. Trên thực tế, hầu hết các cửa hàng bán xe máy điện tại Hà Nội trên các phố Huế, Nguyễn Lương Bằng, Bà Triệu… đều không cung cấp đủ hồ sơ cần thiết cho người mua để đăng ký xe theo quy định.

Tuyên truyền trước, sau đó tiến hành xử phạt

Theo Luật Giao thông đường bộ thì quy định bắt xe máy điện phải đăng ký từ 1/7/2009, nhưng đến giờ mới lại siết chặt việc nếu không đăng ký thì không được lưu thông. Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 năm mà quy định này hầu hết người dân đều không được biết đến?

Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67, Bộ Công an), nguyên nhân chính xuất phát từ việc tại thời điểm năm 2009 – 2010, người dân không có nhu cầu sử dụng, không quan tâm nhiều đến loại hình xe máy điện tham gia giao thông, phương tiện chủ yếu của người dân lúc này là xe gắn máy thông thường (xe mô tô). Chính vì vậy, mọi tuyên truyền về việc đăng ký hầu như chỉ được tuyên truyền đối với xe gắn máy. Tuy nhiên đến thời điểm năm 2013, khi Bộ Công an đưa ra chính sách quản lý chặt chẽ đối với mua bán, chuyển nhượng xe và xử phạt xe không chính chủ thì người dân lại có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng loại hình xe máy điện.

Do đó, đến giờ cơ quan chức năng mới phải đẩy mạnh cơ chế siết chặt quy định tham gia giao thông đối với xe máy điện. Rõ ràng, quy định pháp luật đã được đề ra và đi vào thực thi gần 4 năm mà đến giờ người dân vẫn ngỡ ngàng khi nghe đến quy định của luật thì lỗi một phần cũng do cơ quan chức năng thực hiện công việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân chưa tốt.

Ông Tuấn nhận định, việc cơ quan chức năng tiến hành xử phạt ngay từ 1/6 thì “hơi gấp” bởi lẽ: Mặc dù, quy định của luật đã có từ lâu, tuy nhiên, do thực tế số lượng xe máy điện tham gia lưu thông còn quá ít nên cơ quan công an không siết chặt xử lý ngay từ đầu. Đến nay, khi lưu lượng xe đạp máy tham gia lưu thông tăng thì cơ quan công an mới tiến hành thực hiện xử lý nghiêm.

Mặt khác, xuất phát từ việc luật quy định, nhưng sau đó tổ chức tuyên truyền đến người dân không tốt khiến người dân không chú tâm đến việc đăng ký cho xe máy điện trong thời gian dài. Và theo khảo sát thì thấy, phần lớn các cửa hàng đều không cung cấp đủ hồ sơ, giấy tờ cho chủ mua phương tiện.

Thiết nghĩ, để người dân khỏi bất ngờ khi tiếp nhận thông tin xử phạt đối với xe máy điện, cần có một khoảng thời gian hợp lý đủ để tiếp nhận thông tin và xử lý đối với trường hợp xe của mình. “Tôi nghĩ, cần tuyên truyền quy định của pháp luật đến người dân trước, sau đó mới tiến hành xử phạt”, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.

Tại các khu vực nút giao thông, ngoài các tổ công tác của cảnh sát giao thông còn có Lực lượng 141 Công an TP. Hà Nội. Nhưng tình trạng nam nữ thanh niên điều khiển xe máy điện không đăng ký, đầu không đội mũ BH, vượt chốt vẫn xảy ra phổ biến.

Hoan Nguyễn