Ngày 4/10, cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, vừa mãn nhiệm trước đó 3 ngày, đã có cuộc phỏng vấn trong đó đề cập xung đột Nga-Ukraine.
Ông Stoltenberg nói: “Đương nhiên cần phải dừng lại và nghĩ rằng, có lẽ những hành động như vậy quá nguy hiểm. Nhưng thực sự không thể xem xét một cách nghiêm túc giải pháp thay thế là từ chối hỗ trợ Ukraine vì một số lời lẽ khoa trương”.
Bên cạnh đó, ông Stoltenberg cũng ám chỉ Ukraine có thể buộc phải từ bỏ các vùng lãnh thổ đã mất trong cuộc xung đột với Nga nếu muốn hòa bình khi đề cập cuộc xung đột của Phần Lan trước đây để trả lời câu hỏi rằng, ông sẽ đưa ra chính sách nào với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nếu nói đến các cuộc hòa đàm.
Cựu lãnh đạo NATO nói rõ: “Phần Lan đã chiến đấu chống Liên Xô năm 1939. Xung đột kết thúc với việc họ mất 10% lãnh thổ. Tuy nhiên, họ nhận được một biên giới an toàn”.
Cho rằng, tiến bộ theo hướng này có thể xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 với những "xung lực và một nỗ lực mới để xoay chuyển tình thế", ông lưu ý: "Tôi không nghĩ đó sẽ là giương cờ trắng và bỏ cuộc. Đó có thể là nỗ lực thay đổi tình thế trên chiến trường, song song với việc đảm bảo chuyển động trên bàn đàm phán".
Mặc dù vậy, Tổng thư ký thứ 13 của NATO nhấn mạnh, mọi quyết định thuộc về Ukraine, song các đồng minh và đối tác "cần tạo điều kiện để họ có thể ngồi vào bàn đàm phán với Nga và đạt được điều gì đó có thể chấp nhận được, cho phép họ vẫn là một quốc gia độc lập”.
Chính trị gia người Na Uy khẳng định: “Nếu có ý chí, luôn có thể tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, phải có một ranh giới mà sau khi vượt qua, điều 5 (Hiệp ước NATO) sẽ được viện dẫn và Ukraine phải kiểm soát toàn bộ lãnh thổ cho đến ranh giới này”.
Liên quan tình hình tại Ukraine, cùng ngày, Tổng thống Zelensky thông báo trên Telegram cho biết, ông đã đến thăm vùng Sumy ở phía Bắc, nơi nước này đã phát động một cuộc tấn công lớn vào vùng Kursk của Nga hồi tháng Tám.
Gần hai tháng sau cuộc tấn công bất ngờ, tốc độ tiến công đã chậm lại do lực lượng Nga phản công, song ông Zelensky nói: "Điều quan trọng là phải hiểu rằng, chiến dịch Kursk thực sự là một hoạt động chiến lược, một hoạt động tạo thêm động lực cho các đối tác của chúng tôi để sát cánh cùng Ukraine, quyết đoán hơn và gây áp lực lên Nga".
Theo nhà lãnh đạo, cuộc tấn công này "đã giúp rất nhiều" cho Kiev trong việc đảm bảo các gói hỗ trợ quân sự mới nhất từ phương Tây.
Theo FT