Được thông qua lần đầu năm 2005 và sửa đổi năm 2013, Luật Đấu thầu đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, qua 10 năm thi hành, đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, nhưng chưa được Luật Đấu thầu quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Một số luật liên quan đã sửa đổi, hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như quy định về chỉ định thầu và giao cho người có thẩm quyền quyết định, quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi gói thầu xuất hiện các yếu tố đặc thù, riêng biệt. Chưa rõ các tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm xác định tính độc lập về pháp lý, tài chính giữa các chủ thể tham gia đấu thầu nhằm bảo đảm công bằng trong đấu thầu…
Luật cũng chưa quy định đầy đủ nhằm khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước thay thế cho hàng hóa nhập khẩu; quy định về quản lý nhà nước với hoạt động đấu thầu và thi hành pháp luật trong hoạt động này còn hạn chế. Hơn nữa, hiện nước ta đã ký kết, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có 3 hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công nên việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật là yêu cầu cấp thiết.
Sau khi được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và các cơ quan chức năng tiếp thu, chỉnh lý, hiện Dự thảo Luật được rà soát, hoàn thiện theo hướng chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Luật hóa các nội dung được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.
Thực tiễn cho thấy, đấu thầu là lĩnh vực luôn ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí. Do đó, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật lần này là phải giải quyết được các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.
Ngoài ra, như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đó là phải hài hòa quyền lợi của Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho chủ đầu tư khi mua sắm, không để xảy ra tình trạng trục lợi.
Ninh Hà