Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Quân đội, Công an cần bao nhiêu Tướng?

Đó là câu hỏi mang tính thời sự được cử tri quan tâm. Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), trước khi chính thức thông qua các dự án luật này vào ngày 27.11 sắp tới.

Quân đội không quá 415 tướng

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – Nguyễn Kim Khoa, cho thấy,Quân đội sẽ có tối đa 3 vị trí được phong cấp hàm đại tướng. Đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng đều được đề nghị có trần quân hàm Đại tướng, tương đương quân hàm của Bộ trưởng Quốc phòng.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh minh họa)

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của QĐNDVN. “Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐNDVN, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật mà Chính phủ trình”, ông Khoa nói.

Ở cấp bậc hàm Trung tướng, có ý kiến đề nghị Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Trung tướng, bằng Tư lệnh, Chính ủy Quân khu, Quân chủng. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo, tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng một số trần quân hàm cấp tướng và nâng quân hàm ở một số cấp tướng cao hơn. Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là cấp trên của các đơn vị trong toàn quân, đồng thời là cấp phó của Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (có trần quân hàm là Đại tướng). Theo nguyên tắc cấp phó có trần quân hàm thấp hơn cấp trưởng một bậc thì các chức vụ trên có trần quân hàm Thượng tướng là phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ  Quốc phòng, Đại tướng  Phùng Quang Thanh cho biết Luật sĩ quan lần này là “Đáp ứng nhu cầu thời bình để chuẩn bị cho thời chiến”. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng cho rằng ngay tại các Hội nghị quân sự ASEAN cũng đã thấy có sự khác biệt. Tư lệnh hải lục không quân các nước đều là tướng 4 sao. “Tướng 4 sao đi xe gắn 4 sao ngay cánh cửa”, trong khi bên mình tư lệnh hải lục không cũng chỉ có 2 sao. Mình đất nước lớn, vị thế lớn mà để anh em thế cũng là hơi thấp- ông Phùng Quang Thanh nói.

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho biết Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415 vì nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vấn đề này sẽ có nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua.

Vì sao phong nhiều tướng?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phản ánh: “Có người hỏi tôi vì sao chúng ta phong tướng nhiều thế? Tôi hỏi bác căn cứ vào đâu để nói nhiều hay ít? Bác ấy nói là sau giải phóng miền Nam, chúng ta có 36 tướng, mà chúng ta đánh tan mấy đế quốc lớn. Vậy thì nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn? Bác ấy nói là nếu chúng ta cần tăng cường sức mạnh quân đội thì có thể phong gấp 10 lần ngày xưa, tức là 360 tướng thì quân đội mạnh gấp 10 lần!”.

Nhưng hiện nay chúng ta còn phong tướng trên cả mức ấy- ông chốt lại và khẳng định sức mạnh của quân đội cơ bản do lòng dân, chứ không phải do nhiều tướng. Ông Thuyền cho rằng phong tướng phải là phục vụ tác chiến, để tăng sức mạnh quân đội, chứ không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách. Đại biểu Huỳnh Thành thì không đồng tình đề xuất phong hàm Thượng tướng cho Chính ủy Học viện Quốc phòng, hay Thiếu tướng cho một số trưởng khoa thuộc học viện Quốc phòng rằng tại các học viện, cái người ta cần là các chức danh Giáo sư, Tiến sĩ (liên quan đến học thuật), chứ không phải là hàm cấp tướng.

Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh cũng phản ánh rằng cử tri rất phàn nàn là tại sao việc phong quân hàm cấp tướng nhiều thế.  “Khe hở của chúng ta dẫn đến phong quân hàm cấp tướng nhiều là do quy định, ở địa bàn trọng điểm, vị trí ưu tiên thì cấp bậc có thể cao hơn một bậc. Cuối cùng thì hầu như tất cả trưởng công an quận, huyện ở một số địa phương đều là đại tá và tất cả giám đốc công an cấp tỉnh đến giờ không còn đại tá nữa. Cuối cùng thì tất cả 63 tỉnh, thành đều trở thành trọng điểm hết…”, ông Thịnh phân tích và đề nghị “bịt kín” lỗ hở này bằng những quy định cứng trong luật chứ không cho ngoại lệ, đặc biệt gì nữa.

Trước đó, trong phiên UBTVQH góp ý dự thảo Luật sĩ quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã từng chia sẻ với báo chí: “Dễ thấy nhất là lực lượng vũ trang càng tiến lên chính quy, hiện đại thì chức vụ, cấp hàm càng nhiều hơn”.  Theo ông Nhã, tổ chức vũ trang thời chiến đơn giản hơn nhiều so với hiện nay. Thời đó, bộ đội chính quy – lực lượng được đeo quân hàm – không nhiều. Tham gia chiến đấu nhiều khi là bộ đội địa phương, là dân quân, du kích, mà số ấy lại không có quân hàm cụ thể. Việc phong quân hàm do hoàn cảnh thời chiến nhiều khi không thực hiện được. Phân công ai làm đại đội, tiểu đoàn trưởng, thậm chí trung đoàn trưởng nhiều khi không dựa theo cấp hàm cao thấp, mà gắn với năng lực đã bộc lộ qua chiến trận.

Sang thời bình, Quân đội, Công an được tổ chức chính quy hơn. Nhiều đơn vị kỹ thuật, hậu cần trước chỉ là cấp cục, giờ lên tổng cục. Những năm gần đây, bộ máy, tổ chức các lực lượng vũ trang được củng cố, nâng cấp, hoàn thiện, làm tăng nhiều đầu mối.

Theo quy định của Luật CAND và Luật Sĩ quan QĐND hiện hành, chức vụ càng cao thì quân hàm có thể được phong càng cao. Gắn cấp hàm với chức vụ như vậy, nên càng thêm đầu mối đơn vị lớn thì số sĩ quan có cơ hội lên lon đại tá, thiếu tướng, trung tướng càng nhiều. Nhưng đấy mới là cấp hàm theo quy định “cứng”. Còn những quy định “mềm” khác mở thêm cơ hội phong tướng cho lực lượng vũ trang. Cả hai luật vừa nêu đều có một điều khoản: Sĩ quan được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự (với công an), trọng yếu về quân sự, quốc phòng và có cống hiến xuất sắc (với quân đội) thì cấp hàm có thể cao hơn một bậc so với quy định chung…

Ở Mỹ, quân đội theo quy định có 230 tướng bộ binh, 208 tướng không quân, và 60 tướng thuỷ quân lục chiến. Như vậy, tổng cộng số tướng lãnh của Mĩ tối đa là 498, nhưng hiện nay họ có bao nhiêu tướng đang công tác thì chưa tìm thấy nguồn tin nào để biết.

Nhìn ra một số nước thì thấy ở Trung Quốc tính đến tháng 7/2011, có 191 tướng lãnh. Trung Quốc lược bỏ cấp hàm đại tướng, chỉ giữ lại ba cấp hàm còn lại là thượng tướng, trung tướng và thiếu tướng. Theo Tạp chí nhân vật Hoàn Cầu, hiện nay Trung Quốc có 34 thượng tướng, trong đó 80% sinh sau năm 1950.

Cử tri nói gì?

Điều đáng lưu ý là, theo ý kiến của Bộ Chính trị, chế độ lương cho sĩ quan Công an, Quân đội, theo đó lương cơ bản sẽ gắn với chức vụ, thay vì gắn theo cấp hàm như lâu nay. Nếu thực hiện được nguyên tắc chỉ đạo này thì có lẽ việc thăng quân hàm, nhất là quân hàm cấp tướng của ta sẽ không còn nóng như hiện nay.

Theo dõi thông tin các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc này, nhiều cử tri đã lên tiếng bày tỏ quan điểm. Điểm qua phản hồi của một bài báo đã thấy có những ý kiến đáng chú ý:

“Có thể Việt Nam ta là nước có cấp tướng trong quân đội và công an nhiều nhất so với các nước”.

“Đã hạn chế tướng quân đội đồng thời phải hạn chế tướng công an”.

“Quá nhiều,  tui nghĩ nên tối đa khoảng 100 thôi (chỉ tính đương chức và bao gồm cả quân đội và công an) bao gồm 1-2 đại tướng, 5-7 thương tướng, 15-20 trung tướng”.

“Chúng ta phong nhiều tướng quá, trong khi trước đây nghe đến tướng là khủng khiếp lắm. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải cân nhắc để giới hạn việc phong tướng cho nhân dân đồng tình ».

Có  những cử tri hiến kế:

“Ai ở tuyến đầu của mặt trận bảo vệ đất nước thì được phong quân hàm. Còn cán bộ văn thư, hậu cần thì nên có chế độ tăng lương theo năm, tách lương khỏi quân hàm. Như vậy sẽ ít người về hưu sớm vì không tăng được quân hàm”.

“Không cần tính toán xa xôi chỉ cần quy định khung chuẩn đơn vị trong hệ thống. Từ đó phiên trần quân hàm tương ứng là đạt yêu cầu.

Ví dụ ở cấp huyện huyện đội trưởng khung trần là thượng tá, huyện đội phó khung trần là trung tá. Tỉnh đội trưởng khung trần là Đại tá, Tỉnh đội phó khung trần là thượng tá. Tương tự như vậy áp dụng đối với công an là ổn”.

Dư luận cử tri hy vọng và tin tưởng, trong phiên thông qua hai đạo luật quan trọng này, Quốc hội sẽ sáng suốt, đưa ra những quyết định đúng đắn, vừa phát huy được vị thế, vai trò của lực lượng vũ trang, vừa thể hiện sự chuẩn mực, phù hợp với điều kiện mọi mặt của đất nước.

Theo Vũ Chân (PL)

Tin mới

Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt
Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt

Chiều 26/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết
Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết

Quý I/2024, Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2020.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên
Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2024), ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024
ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024

Kết thúc quý I/2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK - mã chứng khoán ABB) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 617 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.066 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.