Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Trung tướng Phạm Xuân Thệ & Những dòng hồi ức 30/4/1975 lịch sử

“Các ông là kẻ thất bại, đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả!” - Câu nói chắc nịch của Trung tướng Phạm Xuân Thệ (khi đó mang quân hàm Đại úy, Trung đoàn phó, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) đã khiến Tổng thống Dương Văn Minh bối rối...

Trung tướng Phạm Xuân Thệ & Những dòng hồi ức 30/4/1975 lịch sử - Hình 1

Trung tướng Phạm Xuân Thệ & những dòng hồi ức 30/4/1975 lịch sử

Nhiều trận chiến quyết liệt

Đó là hồi ức của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, khi trò chuyện với PV Thương hiệu & Công luận về thời khắc lịch sử tiến quân vào Dinh Độc Lập, bắt tướng Dương Văn Minh đầu hàng vào trưa ngày 30/4/1975.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947, tại xã Khả Phong, Kim Bảng (Hà Nam). Nơi đây, từng là nơi trú quân của Trung đoàn 66 (Trung đoàn Ký Con) và là căn cứ xuất phát của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực vượt phòng tuyến sông Đáy đánh vào vùng địch tạm chiếm trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lúc đó, ông chưa thể biết có ngày mình chính thức trở thành chiến sỹ Giải phóng quân, Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) để rồi có mặt tại Dinh Độc Lập đúng ngày 30/4/1975, chứng kiến những giây phút trọng đại lịch sử của dân tộc.

Ông nhập ngũ tháng 8/1967, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - năm Mậu Thân (1968)...

Năm 1974, cấp trên giao Sư đoàn 304 phối hợp cùng bộ đội mặt trận Quân khu 5, có nhiệm vụ đánh chiếm và giải phóng Thượng Đức tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam).

Ngày 29/7/1974, bắt đầu nổ súng đánh chiếm quận lỵ Thượng Đức, đến ngày 7/8/1974, giải phóng Thượng Đức, tiêu diệt và bắt sống hơn 1.200 quân địch và giải phóng phần lớn khu vực huyện Đại Lộc (Quảng Đà).

Sau khi giải phóng Thượng Đức thì giải phóng tiếp Tây Nguyên. Sau đó, Quân đoàn 2 tham gia chiến đấu giải phóng Huế - Đà Nẵng.

Ngày 29/3/1975, Sư đoàn 304 tham gia chiến đấu từ hướng Tây xuống TP. Đà Nẵng. Ngày 10/4/1975, theo mệnh lệnh cấp trên, đơn vị bắt đầu hành quân tiếp tục chiến đấu dọc duyên hải - miền Trung. Lúc này, Quân đoàn 2 mang tên Binh đoàn Duyên Hải, có nhiệm vụ giải phóng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định...

Rạng sáng 22/4/1975, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) đánh chiếm và giải phóng thị xã Hàm Tân Bình Tuy (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận).

Ngày 24/4/1975, đơn vị tập kết cách Sài Gòn khoảng 60 km (khu vực rừng cao su, đồn điền Đông Quế) và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Quân đoàn 2, gồm Sư đoàn 304, Sư đoàn 35, Sư đoàn 3 (Quân khu 5 tăng cường), có nhiệm vụ đánh từ hướng đông vào Sài Gòn. Trong đó, Sư đoàn 304 có nhiệm vụ đánh căn cứ Nước Trong (đây là Trường Sỹ quan Thiết Giáp của quân Ngụy Sài Gòn), có khoảng 1.000 học viên. Lúc này, Sư đoàn 304 giao cho Trung đoàn 9 đảm nhiệm đánh vào căn cứ này để giải phóng - vì muốn tiến công vào nội đô thì phải giải phóng được căn cứ này. Đến ngày 28/4/1975, đơn vị đã giải phóng được căn cứ trên.

Sư đoàn 35, có nhiệm vụ đánh chiếm Long Thành, Thành Tuy Hạ, Cát Lái để đưa pháo tầm xa bắn vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Sư đoàn 3 có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa - Vũng Tầu, chặn không cho địch rút ra đường biển. Đến ngày 28/4/1975, các đơn vị đã hoàn thành được các nhiệm vụ trên.

Ngày 29/4/1974, trong khi thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu vòng ngoài, Quân đoàn 2 tổ chức binh đoàn thọc sâu (gồm  Trung đoàn 66 bộ binh, Lữ đoàn Thiết giáp, Lữ đoàn Công binh, Tiểu đoàn pháo nòng dài của Lữ đoàn 164, Tiểu đoàn pháo 85, Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 của Lữ đoàn 664) và một số đơn vị binh chủng khác.

Trong khi Sư đoàn 304 và lực lượng Quân đoàn 2 đánh các mục tiêu vòng ngoài, thì lực lượng đặc công đã đánh chiếm được cầu sông Buông, cầu Sa Lộ, cầu Rạch Chiếc.

Chiều 29/4/1975, binh đoàn thọc sâu bắt đầu xuất phát từ căn cứ Nước Trong tiến vào Sài Gòn. Đến 23 giờ ngày 29/4/1975 thì vượt qua cầu sông Buông, tiếp tục vượt qua cầu Sa Lộ.

Gần 6 giờ sáng 30/4/1975, binh đoàn thọc sâu bắt đầu đến cầu Sài Gòn và đã bị địch chốt chặn tại đây. Các lực lượng đã triển khai lực lượng chiến đấu quyết liệt. Đến khoảng hơn 9 giờ ngày 30/4/1975, địch bỏ chạy.

Đến gần 10 giờ ngày 30/4/1975, đơn vị vào đến ngã tư Hàm Xanh, đến cầu Thị Nghè bị tàn quân địch chốt chặn. Các đơn vị tiếp tục triển khai đội hình chiến đấu và đã đẩy lùi quân địch, thẳng tiến vào Dinh Độc Lập.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ & Những dòng hồi ức 30/4/1975 lịch sử - Hình 2

Đại úy Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bìa phải) cùng đồng đội đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài PT

Thời khắc lịch sử...

Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại:

“Khi đến cổng Dinh Độc Lập, xe tăng thứ nhất, do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy đã húc đổ cánh cổng bên trái Dinh Độc Lập. Xe tăng thứ hai do đồng chí Lê Đăng Toàn đâm bật tung cánh cổng chính, tiến thẳng vào sân. Tiếp theo là chiếc xe Jeep của chúng tôi tiến vào.

Đến khu vực tiền sảnh tầng 1 của Dinh Độc Lập, chúng tôi xuống xe và tiến vào trong. Khi lên hết cầu thang tầng 1, tôi gặp một người cao to, mặc áo cộc tay, tiến lại và nói với tôi rằng: “Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của Tổng thống đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc”.

Vào đến phòng họp, Nguyễn Hữu Hạnh chỉ vào người cao to giới thiệu - đây là Tổng thống Dương Văn Minh và giới thiệu một số người khác, trong đó có Thủ tướng Vũ Văn Mẫu.

Sau đó, Dương Văn Minh tiếp lời: “Chúng tôi biết Quân giải phóng đã tiến vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao”.

Tôi lên tiếng: “Các ông là kẻ thất bại, đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả!”.

Trong khi đó, những tiếng súng nổ ăn mừng chiến thắng khắp Dinh Độc Lập, khiến nội các của Dương Văn Minh lo sợ! Tôi cương quyết bắt Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng để tránh tàn quân địch kháng cự, tránh đổ máu.

Dương Văn Minh rất lo sợ và xin được tuyên bố đầu hàng tại đây vì nếu ra ngoài thì không bảo đảm an toàn. Tôi đã trấn an Dương Văn Minh và nói: “Quân giải phóng đã làm chủ Sài Gòn, sẽ bảo đảm an toàn cho ông đi”.

Sau khoảng 30 phút thuyết phục, cuối cùng Dương Văn Minh cũng đồng ý đi cùng trên chiếc xe Jeep của tôi ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng (Dương Văn Minh ngồi bên trong ghế phụ, tôi ngồi ngoài).

Trên đường đi, tôi hỏi Dương Văn Minh: “Ông thấy sức mạnh của Quân giải phóng thế nào”? Dương Văn Minh đáp: “Tôi biết, khi Quân giải phóng tiến công vào là chúng tôi sẽ thất bại”!

Tôi hỏi tiếp: “Tại sao ông biết thất bại mà không tuyên bố đầu hàng trước”? Dương Văn Minh trả lời: “Khi Quân giải phóng chưa tiến công vào, bên dưới tôi còn rất nhiều người chưa đồng tình với tôi, nếu tôi tuyên bố đầu hàng trước, thì họ sẽ khử tôi ngay”.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ & Những dòng hồi ức 30/4/1975 lịch sử - Hình 3

Đại úy Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bìa phải) tay cầm bản thảo

Sau khi đưa Dương Văn Minh đến đài phát thanh, tôi đã soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho ông ta. Trong lúc soạn thảo, có đồng chí Bùi Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 xuất hiện và chúng tôi cùng nhau soạn thảo văn bản đưa cho Dương Văn Minh đọc. Tuy nhiên, ông ta không đọc được và nói “chữ viết của cấp chỉ huy xấu, tôi không đọc được” và tôi phải đọc cho ông ta viết lại để thu âm vào máy rồi mới phát trên đài phát thanh.

Sau đó, chúng tôi đưa Dương Văn Minh trở lại Dinh Độc Lập. Tại đây, một cấp chỉ huy đã chỉ vào tôi và nói: “Anh là ai, ở đơn vị nào? Ai cho phép anh tự ý đưa Dương Văn Minh đến đài phát thanh? Nếu anh làm sai, tôi cách chức anh, bỏ tù anh!”…

Đại úy Phạm Xuân Thệ (khi ấy) không biết đó là chỉ huy cấp trên, cũng quát lại: “Tôi đưa Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng, anh làm gì mà nhắng lên thế?”!

Lúc đó, Sư trưởng Sư đoàn 304, Nguyễn Ân nói: “Đây là E phó E66 Phạm Xuân Thệ. Sai đâu để sau, cho cậu ấy về chỉ huy đơn vị”. Khi ấy, ông mới biết người đó là Phó chính ủy Quân đoàn 2, Công Trang.

Mỗi khi nhắc lại sự kiện này, Đại úy Thệ năm xưa chỉ cười mà bảo: “Trong đầu tôi, lúc ấy chỉ nghĩ được một điều: Phải bắt Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, để tránh đổ máu”...

Nguyễn Kiên

Bài liên quan

Tin mới

Báo chí Argentina đã đưa tin đậm nét về Chiến thắng 30/4
Báo chí Argentina đã đưa tin đậm nét về Chiến thắng 30/4

Báo chí Argentina đã đưa tin đậm nét về Chiến thắng 30/4, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) của dân tộc Việt Nam.

Tạm giam ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Tạm giam ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2011 - 2016).

Truy xuất sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng sẽ hạn chế hàng giả, hàng nhái
Truy xuất sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng sẽ hạn chế hàng giả, hàng nhái

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của các doanh nghiệp. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng...

Triệt xóa hai đường dây buôn bán 1,4 tấn pháo nổ trước lễ 30/4
Triệt xóa hai đường dây buôn bán 1,4 tấn pháo nổ trước lễ 30/4

Ngày 26/4, thông tin từ Công an TP. HCM, Công an quận Phú Nhuận và Công an huyện Củ Chi vừa triệt phá 2 đường dây vận chuyển, mua bán hàng cấm là pháo nổ các loại với tổng trọng lượng gần 1,4 tấn.

Phân luồng giao thông ở Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Phân luồng giao thông ở Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hà Nội vừa thông báo về phương án phân luồng, tổ chức hướng dẫn giao thông, phục vụ người dân ra vào thành phố dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định lịch sử
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định lịch sử

Quyết định chấp nhận giao chiến với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên là một bước ngoặt lớn trong 9 năm trường kỳ kháng chiến của quân ta.