Mấy ngày nay, ở Bộ Tài chính, việc quản lý giá sữa lại trở thành vấn đề “nóng”. Theo Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, nếu tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, các cơ quan chức năng có thể tính tới cả biện pháp áp dụng giá trần đối với mặt hàng này theo đúng quy định của Luật Giá.
Năm 2013, giá sữa cũng tăng ba – bốn lần ngay từ đầu năm. Câu chuyện trở nên “nóng” khi chính Bộ tài chính chẳng “nắm” được gì cả vì giá sữa bị đổi ten từ đầu năm theo quy định của bộ y tế. Khi không còn gọi là Sữa, mà chỉ là sản phẩm dinh dưỡng, thì “sữa” không thuộc danh mục hàng cần bình ổn. Do đó, các doanh nghiệp (DN) không phải kê khai giá sữa nên Bộ Tài chính bị gián đoạn việc kiểm soát vấn đề này. Tuy nhiên, việc giá sữa không còn thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính là chuyện xảy ra đã khoảng một năm. Và cũng chỉ khi, có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sữa mới trở lại tên gọi cũ, và quay về, lại tiếp tục thuộc quyền quản lý của Bộ này từ đầu tháng 11 – 2013…
Mấy ngày nay, ở Bộ Tài Chính, công tác quản lý giá sữa lại trở thành vấn đề “nóng” và được dư luận quan tâm. Sau khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra bốn hãng sữa lớn tăng giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi, Liên bộ Tài chính – Công thương đã có cuộc họp về giá sữa vào ngày 4-3, cuộc họp có đủ các ngành: Ngoại giao, tư pháp, Công thương. Cục trưởng Quản lý giá(Bộ tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ tài chính đã căn cứ vào pháp lệnh Giá và Luật Giá thực hiện rất nghiêm túc và quyết liệt việc quản lý giá sữa từ năm 2013 đến nay. Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu thực hiện việc kê khai giá sữa của các hãng sữa trên thị trường. Trừ Công ty CP Sữa Việt Nam ( Vinamilk) kê khai giá qua Sở Tài Chính TP Hồ Chí Minh, các DN còn lại đều được Cục Quản lý giá yêu cầu gải trình rõ lý do tăng giá. Vì lý do DN đưa ra thiếu thuyết phục, đến nay, chỉ có hồ sơ của Mead Johnson Nutrition được chấp thuận, nhưng để kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu sữa từ nước ngoài vào Việt Nam, cơ quan quản lý giá đã thừa ủy quyền của Bộ Tài chính gửi công văn yêu cầu Tổng cục Hải quan kiểm tra sau thông quan đối với các sản phẩm tăng giá của DN này.
Đối với hai DN là Nestle và Friesland Campina, cơ quan quản lý giá yêu cầu giải trình rõ nguyên nhân tăng giá sản phẩm. Theo nội dung công văn, trường hợp DN chưa giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu của Cục Quản lý giá thì đề nghị DN thực hiện theo mức giá trước khi kê khai . Tuy nhiên, Nestle đã bán với giá mới từ trước đó 12 ngày, tức là từ ngày 31 -1 – 2014.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sữa là mặt hàng có điều kiện do Bộ Tài chính quản lý và trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối xử lý vụ việc lần này. Theo đó, cơ cấu giá là trách nhiệm của Bộ Tài chính, còn DN có niêm yết đúng giá hay không, còn khi niêm yết rồi liệu có bán đúng giá hay không thì lại là một phần trách nhiệm của Bộ Công thương…
Phó Cục trưởng Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Nguyễn Phương Nam nhận định, thị trường sữa ở Việt Nam là thị trường sữa cạnh tranh khốc liệt nhưng chưa có dấu hiệu, hành vi phản cạnh tranh. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để tập hợp dữ liệu, con số. Nếu phát hiện hành vi cụ thể sẽ ra quyết định điều tra sơ bộ kéo dài trong 30 ngày, còn nếu phát hiện có hành vi phản cạnh tranh thì sẽ đệ trình điều tra chính thức 180 ngày. Tùy theo từng vụ việc, nếu có tính chất phức tạp thì cơ quan điều tra sẽ cho phép rà soát lại nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 20 ngày. Liên bộ đã thống nhất thành lập năm đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra năm DN sản xuất và kinh doanh sữa. Việc thanh tra, kiểm tra để làm rõ việc tuân thủ các văn bản điều hành giá sữa có liên quan của các DN về thực hiện quản lý giá, nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Liên bộ Tài chính – Công thương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, tiến hành thu thập các số liệu có liên quan, đồng thời thanh tra, kiểm tra các yếu tố cấu thành giá,… xem xét và xác minh làm rõ có hay không hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc vi phạm các quy định về giá, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra kiến nghị về các giải pháp xử lý báo cáo Chính phủ.
Theo Ông Nguyễn Anh Tuấn, Liên bộ tài chính – Công thương đang nắm bắt tình hình, sẽ tham khảo tài liệu và các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền công bố các biện pháp bình ổn giá, trong đó có thể áp dụng một trong bảy biện pháp theo quy định của Luật Giá. Nếu tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, các cơ quan chức năng có thể tính tới các biện pháp áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa theo quy định của Luật Giá.
Năm Dn đang ký kê khai điều chỉnh giá bán sữa với cơ quan quản lý gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam kê khai điều chỉnh tăng giá bán từ ngày 12 – 12 – 2013; Công ty TNHH Nestle Việt Nam kê khai điều chỉnh tăng giá bán từ ngày 31 – 1- 2014; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam kê khai điều chỉnh tăng giá tư ngày 25 – 2; Vinamik kê khai điều chỉnh tăng giá từ ngày 10 – 2; Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A( nhà phân phối các sản phẩm sữa Abbott) kê khai điều chỉnh tăng giá sữa từ ngày 15 – 3.
Theo Thời Nay