Dư luận đang chờ đợi kết quả thanh tra của Bộ Y tế tại Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và các động thái của ngành y tế thành phố. Dù thị trường dược phẩm đang “ sóng gió” nhưng trách nhiệm của ngành y vẫn là phải bảo đảm đầy đủ dược phẩm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ảnh minh họa
Nhiều động thái của Sở và Cục…
Động thái đầu tiên là việc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tuyên bố “ hủy kết quả trúng thầu và chấm dứt hợp đồng mua bán bốn mặt hàng thuốc (có giấy phép nhập khẩu chuyến được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu chuyến)”. Lý do hủy kết quả trúng thầu và chấm dứt hợp đồng mua bán bốn mặt hàng thuốc trên là do qua rà soát kết quả đấu thầu tập trung thuốc đợt 1 năm 2014 ( sử dụng cho các bệnh viện của thành phố), Sở phát hiện 4/38 loại thuốc sai quy định, gồm: Sodium Bicarbonate ( hoạt chất Natri Hydrocarbonate 4,2%) dùng trong cấp cứu bệnh nhiễm toan máu do sốc nhiễm trùng huyết, do Công ty CP dược liệu T.Ư 2 nhập khẩu từ Đức, tổng giá trị trúng thầu hơn 1,75 tỷ đồng; BICINU ( hoạt chất Carmustine 100mg), sử dụng trong ghép tủy, ghép tế bào gốc, do Công ty TNHH dược phẩm Việt Pháp nhập từ Ấn Độ, tổng giá trị trúng thầu 270 triệu đồng; Erwinase 9 hoạt chất L- Asparaginase Erwinase 10.000 UI) điều trị ung thư bạch cầu cấp dòng lympho, do công ty TNHH dược phẩm Việt Pháp nhập từ Anh, tổng giá trị trúng thầu hơn 268 triệu đồng; Digoxin ( hoạt chất Digoxin 0,5mg/2ml ) điều trị suy tim, do Công ty TNHH MTV dược phẩm T.Ư 1 nhập từ Bỉ, tổng giá trị trúng thầu hơn 548 triệu đồng.
Ngày 14-10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng công bố về vụ việc liên quan Công ty VN pharma. Sở Y tế khẳng định: Tại thời điểm tổ chức đấu thầu, hồ sơ dự thầu công ty VN Pharma đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu; các mặt hàng tham dự thầu của công ty đều được đánh giá kỹ thuật theo yêu cầu và chỉ những mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mới được xem xét giá đánh giá. Các mặt hàng được đề nghị trúng thầu là những mặt hàng có giá được đánh giá là thấp nhất so các sản phẩm cùng nhóm kỹ thuật. Giá trị trúng thầu của công ty VN pharma là 267,8 tỷ đồng/ 7.047 tỷ đồng kết quả trúng thầu. Đối với bảy mặt hàng thuốc của Công ty VN pharma (bị Cục Quản lý Dược rút số đăng ký), Sở Y tế đã cho rà soát lại kết quả trúng thầu thuốc đợt 1 năm 2013-2014 và các mặt hàng này không trúng thầu.
Gần như ngay lập tức, cùng ngày 14-10 Thanh tra Bộ Y tế đã công bố quyết định thanh tra công tác quản lý nhà nước về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế và xã hội hóa y tế; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc và quản lý mỹ phẩm của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Đoàn thanh tra sẽ do Ông Dương Xuân An, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra là 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ 1-1-2013 đến 30-9-2014 và thời gian trước, sau có liên quan.
Thị trường dược có “ sóng ngầm”?
Một ngày kể từ sua khi Thanh tra Bộ Y tế công bố quyết định thanh tra, Sở Y tế đã báo cáo UBND thành phố Hồ Chí Minh về công tác đấu thầu thuốc tập trung. Theo đó, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu được tuân thủ tuyệt đối theo quy định của pháp luật hiện hành, và “ chỉ những mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất và không cao hơn giá kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được xem xét đề nghị trúng thầu”. Kết quả, đã có 1.193 mặt hàng thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam trúng thầu với tổng trị giá hơn 3.733 tỷ đồng. Về chất lượng của thuốc trúng thầu, Sở Y tế cho rằng “ các thuốc có điểm kỹ thuật từ 70 điểm trở lên và giá thấp nhất sẽ được xét trúng thầu. Các thuốc này đã được kiểm nghiệm đạt chất lượng và cấp giấy phép lưu hành sản phẩm nên không thể nói có thuốc kém chất lượng vẫn trúng thầu”.
Thông tin thêm về một số mặt hàng thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu theo giấy phép chuyển phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế, Sở Y tế cho biết, đối với các mặt hàng bị hủy kết quả trúng thầu, để bảo đảm thuốc phục vụ điều trị, Sở Y tế đang khẩn trương lập kế hoạch mua sắm để trình UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt theo hình thức áp dụng kết quả đấu thầu của các tỉnh, thành phố và sẽ phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng để lập dự trù, đề nghị Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định để nhập khẩu hoặc cung ứng ngay để kịp thời phục vụ điều trị.
Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Lê Anh Tuấn nói: “ Mục đích của đấu thầu tập trung là nhằm khắc phục những khuyết điểm của đấu thầu riêng lẻ ở các bệnh viện như báo chí thường nêu ra trước đây: Xây dựng được danh mục thuốc được chỉ định đúng theo phác đồ điều trị nhằm hạn chế lạm dụng chỉ định thuốc, loại bỏ những mặt hàng thuốc có hàm lượng, phối hợp không đúng trong điều trị, thống nhất giá thuốc trong các bệnh viện ở thành phố, giá thuốc thấp hơn các đơn vị khác vì mua với số lượng lớn, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng thuốc điều trị và giá cả hợp lý”. Theo ông Tuấn, thực hiện đấu thầu tập trung thuốc đã đem lại hiệu quả trong việc mua sắm, cụ thể đã tiết kiệm được 1.412 tỷ đồng; bảo đảm tính thống nhất về giá ở các cơ sở y tế của thành phố; tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị; nâng cao tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện và sự cạnh tranh cho nhiều nhà cung cấp tham gia đấu thầu, đồng thời thực hiện Chủ trương của Chính phủ về “ khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết quả đấu thầu thuốc tập trung này còn được sử dụng cho nhà thuốc của bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập để thanh toán với cơ quan bảo hiểm y tế.
Trước những diễn biến nêu trên, dư luận đang “ nín thở” chờ kết quả thanh tra của Nộ Y tế và các động thái sắp tới của ngành y tế TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù có “ sóng ngầm” trên thị trường dược phẩm thì trách nhiệm của ngành y vẫn là bảo đảm đầy đủ dược phẩm, thuốc men với giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Theo Thời Nay