Năm 2021 tiếp tục là năm tình hình kinh tế - xã hội thế giới có nhiều biến động phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, du lịch quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân khó khăn.
Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan báo chí ngành Tài chính, Bộ Tài chính công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2021, cụ thể:
1. Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt phục vụ hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2021
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, tạo sức ép rất lớn đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (thu ngân sách nhà nước giảm do kinh tế khó khăn và thực hiện các chính sách ưu đãi miễn, giảm; trong khi nhu cầu tăng chi lớn). Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân khó khăn.
Về thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước vượt dự toán 4-5% đã góp phần đảm bảo các nhiệm vụ theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, đảm bảo an sinh xã hội.
Về chi ngân sách nhà nước, để chủ động ưu tiên cân đối nguồn cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng, chống dịch Covid-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12,1 nghìn tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 để mua vắc xin; bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương vào dự phòng ngân sách trung ương để chi cho phòng, chống dịch.
Nhờ vậy, các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ đều trong phạm vi Quốc hội quyết định (không quá 4% GDP, 46,1% GDP, 41,9% GDP).
2. Kịp thời thành lập và quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch
Trước bối cảnh ngân sách hạn hẹp, để có đủ kinh phí mua vắc-xin tiêm cho nhân dân, Bộ Tài chính đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Ngày 26/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và giao cho Bộ Tài chính quản lý Quỹ.
Bộ Tài chính đã nhanh chóng thành lập Ban Quản lý Quỹ và giao cho Kho bạc Nhà nước tổ chức triển khai, quản lý, vận hành Quỹ. Với nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Quỹ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện vận động, quyên góp, tiếp nhận, vinh danh các tổ chức cá nhân đóng góp ủng hộ cho Quỹ; quản lý thu, chi kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Tính đến 17h ngày 23/12/2021: Đã có 580.096 tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ 8.800,55 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 55,9 tỷ đồng). Số dư Quỹ cuối ngày 1.129,05 tỷ đồng. Tổng số đã chi 7.671,5 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ đã thực hiện xuất mua vắc xin là 7.666,9 tỷ đồng, chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin là 4,6 tỷ đồng.
3. Triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường thu thuế sàn thương mại điện tử, nền tảng số - bước tiến lớn về chuyển đổi số và hiện đại hóa công tác thuế
Năm 2021 là dấu mốc quan trọng trong công tác triển khai hóa đơn điện tử của ngành thuế với việc chính thức kích hoạt lộ trình triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo định dạng chuẩn. Theo đó, tại 6 cục thuế thực hiện giai đoạn 1, với số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn chiếm khoảng 70% toàn quốc, kết quả thành công sẽ tạo nền tảng để triển khai tại 57 địa phương còn lại thuộc giai đoạn 2, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử và chính thức “xóa sổ” hóa đơn giấy.
Với tinh thần và quyết tâm cao độ triển khai hóa đơn điện tử nên tính đến 09h00’ ngày 21/12/2021 (1 tháng sau thời điểm được kích hoạt 21/11/2021), số lượng người nộp thuế đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử là 263.182 DN, chiếm 71% tổng số DN, tổ chức kinh tế của 6 tỉnh, thành phố đáp ứng sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Việc chuyển đổi sang HDĐT có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; đồng thời góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan Thuế cũng như của các doanh nghiệp.
Năm 2021 tổng thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Đặc biệt trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đã được Tổng cục Thuế tăng cường triển khai. Qua rà soát cơ quan thuế đã thu được 1.314 tỷ đồng từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook. Số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube... tính đến hết tháng 10/2021 cả nước là 498 tỷ đồng.
4. Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và thu ngân sách trên 370.000 tỷ đồng cao nhất từ trước đến nay
Ngày 30/11/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 600 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là ngành Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, tạo đà thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan năm 2021 ước đạt 370.000 tỷ đồng bằng 117,46% dự toán thu ngân sách nhà nước (315.000 tỷ đồng), bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu (335.000 tỷ đồng), tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp thu ngân sách hiệu quả, trong đó quyết liệt phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần thu vượt dự toán ngân sách nhà nước đề ra. Toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.568 vụ vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.709,89 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 290,57 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 39 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 176 vụ. Đồng thời Bộ Tài chính đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
5. Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX)
Ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức ra mắt đã đánh dấu cột mốc phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. VNX ra đời đã thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường.
Năm 2021 cũng đánh dấu chặng đường 25 năm của ngành Chứng khoán Việt Nam, trong đó có 21 năm vận hành thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng. Trên thị trường cổ phiếu, VN-Index vượt mốc 1.500 điểm là mốc cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, giá trị giao dịch bình quân năm 2021 đạt hơn 27.000 tỷ đồng/phiên, gấp 2 lần năm 2020, số lượng nhà đầu tư mở mới đạt kỷ lục, riêng 11 tháng/2021 nhà đầu tư mở mới hơn 1,1 triệu tài khoản, cao hơn luỹ kế 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020. Tính đến hết tháng 10/2021, quy mô vốn hoá cổ phiếu và dư nợ trái phiếu đạt trên 163% GDP năm 2020.
Đặc biệt trước tình trạng quá tải, chậm xử lý lệnh giao dịch tại một số công ty chứng khoán từ cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan khẩn trương tìm phương án kỹ thuật, xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường. Sau khi hệ thống mới được áp dụng từ ngày 5/7/2021 đến nay, hiện tượng nghẽn lệnh đã được khắc phục triệt để, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.
6. Tham mưu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các chính sách về miễn giảm, gia hạn các khoản thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Năm 2021, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp và khó lường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đòi hỏi chính sách tài chính phải chủ động, linh hoạt. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã chủ động đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách, pháp luật nhằm sớm đưa các giải pháp tài chính vào cuộc sống.
Theo đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách của ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 20/12/2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 4 Nghị quyết của Quốc hội; trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 02 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 Nghị định, 5 Quyết định, 16 đề án khác. Từ đầu năm 2021 đến nay đã có 28 nghị định của Chính phủ, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo được ký ban hành (bao gồm cả số đã trình từ cuối năm 2020); đồng thời ban hành theo thẩm quyền 109 thông tư về tài chính - ngân sách.
Đặc biệt, trong đó có rất nhiều các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 về giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021… Số tiền khoảng 140 nghìn tỷ đồng từ thực hiện các chính sách nêu trên đã kịp thời góp phần hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
7. Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025
Bộ Tài chính đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 với mục tiêu tổng quát là huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực bên trong và bên ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, quản lý chặt chẽ nợ công, giữ vững an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; hệ thống các mục tiêu cụ thể về tổng thu, cơ cấu thu; tổng chi, cơ cấu chi; mức bội chi ngân sách; tổng mức huy động, hạn mức bảo lãnh, trần và ngưỡng an toàn nợ công…
8. Bộ Tài chính công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam
Tại Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 1/9/2021, Bộ Tài chính đã công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 bao gồm: Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 “Hàng tồn kho”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 “Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 “Tài sản vô hình”.
Việc công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công, kịp thời, đầy đủ và được quốc tế thừa nhận. Đồng thời, chuẩn mực kế toán công Việt Nam góp phần thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công với khu vực và thế giới, nâng cao tính minh bạch và có thể so sánh được của các thông tin tài chính.
9. Ngành Tài chính tiên phong, đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, quản lý nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân và DN, vì vậy Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi giao dịch. Trong năm 2021, Bộ Tài chính đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) 2020, đóng góp vào thành tích 7 năm liên tiếp (từ 2014-2020) Bộ Tài chính đứng trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Par Index. Cũng trong năm 2021 (ngày 19/10/2021), lần đầu tiên Bộ Tài chính được vinh danh xếp vị trí thứ Nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2020 (với giá trị DTI 0,4944) trong 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công. Ngoài ra, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá và công bố. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp (từ 2013 - 2020), Bộ Tài chính giữ vững ngôi vị này.
10. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về tài chính trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đối ngoại của ngành Tài chính, hoạt động hợp tác tài chính khu vực và quốc tế của Bộ Tài chính vẫn được đảm bảo và hiệu quả hợp tác không ngừng được nâng cao. Mặc dù việc tham gia các hoạt động hợp tác tài chính chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, tuy nhiên, Bộ Tài chính đã chủ động tham gia tích cực và đầy đủ vào các hoạt động hợp tác trong các tiến trình hợp tác tài chính của khu vực và đa phương như: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN/ASEAN+3 năm 2021; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2021. Trong các kênh hợp tác nêu trên, Bộ Tài chính đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các sáng kiến, tuyên bố chung giữa các nước thành viên, giúp tăng cường chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng thành công các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ ứng phó với đại dịch Covid-19. Những sáng kiến và nội dung của các Hội nghị đã giúp các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam có thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm để vượt qua thách thức, tiến tới phục hồi kinh tế vĩ mô, tài chính, góp phần hỗ trợ Chính phủ đẩy lùi đại dịch và thực hiện tốt mục tiêu kép.
Anh Minh