ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Lễ kỷ niệm
Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Lễ kỷ niệm.

Ông Lưu nói tiếp: Những ngày đầu sau giải phóng, hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề cho Huế. Kinh tế yếu kém, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá, công nghiệp không có gì đáng kể, nông nghiệp ruộng vườn manh mún, hoang hóa, đầy rẫy bom mìn, thiếu trang thiết bị sản xuất. Làng quê tiêu điều, xơ xác, núi rừng bị đạn bom và chất độc hóa học Mỹ tàn phá. Nhiều di tích bị tàn phá nghiêm trọng, hàng loạt công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế bị đổ nát, hư hỏng. Hàng vạn người di tản vô gia cư, bị thất nghiệp, ngày giải phóng trở về với hai bàn tay trắng đang cần ăn, ở, học hành, chữa bệnh...

Không những vậy, Huế còn gồng mình chống đỡ với thiên tai, dịch bệnh, các đợt bão lũ hàng năm… Kinh hoàng nhất là trận "đại hồng thủy" năm 1999 đã cuốn đi biết bao thành quả mà người dân Huế tích cóp dành dụm bao nhiêu năm, kéo nền kinh tế xã hội của Huế lùi lại nhiều năm, có những việc phải làm lại từ đầu.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy TP Huế
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy TP Huế

Thế nhưng người dân Huế, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương đã từng bước gom, nhặt; biến tiềm năng lợi thế thành sức mạnh để vươn lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Nhờ đó, sau khi chia tay người anh em Bình Trị Thiên, tái lập thành tỉnh Thừa Thiên Huế (1989) đến nay là Thành phố Huế, quy mô nền kinh tế của Huế tăng gấp 8,5 lần; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6,1%/năm (năm 2024 đạt 8,15%); thu ngân sách tăng bình quân 22%/năm (năm 2024 đạt gần 13.000 tỷ đồng). Bước vào năm 2025, Huế đặt mục mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10% trở lên. Tổng vốn đầu tư ước đạt 37.000 tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.450 triệu USD, tăng gấp 163 lần; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 dự kiến đạt 70 triệu đồng/người, tăng 55 lần.

Trẩy hội trên sông Hương
Trẩy hội trên sông Hương

Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, ngày càng hiện đại. Nhiều công trình quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia và khu vực đã được triển khai và đưa vào hoạt động. Hạ tầng cảng biển, cảng cá, các tuyến đường, các khu du lịch ven biển, đầm phá... được đầu tư, khai thác có hiệu quả. Có thể kể đến một số công trình, dự án đã làm “nở mặt, nở mày” cho Huế, giúp Huế đi nhanh, đi xa hơn như cao tốc Cam Lộ - La Sơn; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; Cầu Dã Viên, Cầu Nguyễn Hoàng vượt sông Hương; đường Vành đai 3; Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài; cảng Chân Mây… Đặc biệt là hoàn thành cuộc “di dân” lịch sử khi đưa gần 5000 hộ dân sống nhếch nhác trên khu vực tường thành của Đại Nội hàng chục năm qua đi tái định cư nơi khác, trả lại vẻ đẹp cho Kinh thành Huế.

Phục hồi Di tích Hải Vân Quan
Phục hồi Di tích Hải Vân Quan

Cố đô Huế xưa, Thành phố Huế nay, ngày càng có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong ngoài nước. Từ không có một nhà máy công nghiệp nào sau giải phóng, đến nay Huế đã có 6 khu công nghiệp với hàng trăm nhà máy, nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao như Bia, lắp ráp ô tô, xi-măng, dệt may, điện... Mặc dầu chưa nhiều như một số tỉnh thành khác nhưng Huế cũng đón được một số tập đoàn, thương hiệu lớn “cắm chân” ở Huế như VinGroup, Banyan Tree, BRG, AEON Nhật Bản…

Dự án Khu du lịch sinh thái Nhà rường 5 sao New Việt Thắng 2.100 tỉ khởi công ngày 25/3/2025
Dự án Khu du lịch sinh thái Nhà rường 5 sao New Việt Thắng 2.100 tỉ khởi công ngày 25/3/2025

Ngay dịp kỷ niệm 50 năm Huế giải phóng hàng loạt công trình, dự án được khởi công, động thổ với tổng kinh phí trên dưới nửa tỉ USD, trong đó phải kể đến những dự án hàng nghìn tỉ đồng như Dự án Trung tâm Logistics Chân Mây, có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng; dự án Khu Du lịch sinh thái nhà rường 5 sao New Việt Thắng trên 2.100 tỉ đồng, nép mình bên ngọn núi Ngự Bình nổi tiếng, ngay trung tâm Thành phố Huế …

Đặc biệt, với sức mạnh mềm của mình, Huế luôn giữ vị thế một trong 4 trung tâm của cả nước về văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Huế với 8 Di sản thế giới được UNESCO vinh danh, gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa và hơn 500 lễ hội; Huế còn sở hữu nhiều danh hiệu, thương hiệu giá trị như Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam; Thành phố Xanh quốc gia; Thành phố bền vững về Môi trường ASEAN; Thành phố du lịch Sạch ASEAN; Thành phố thông minh;... đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách của du khách trong nước và quốc tế....

Khách du lịch quốc tế rất thích nét cổ kính ở các nhà hàng Huế
Khách du lịch quốc tế rất thích nét cổ kính ở các nhà hàng Huế

Nói về hướng đi sắp đến của Huế- Thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương, tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng, ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ: Đảng và Nhà nước mong muốn thành phố Huế tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa Huế, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng thành phố Huế phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc. Tập trung xây dựng thành phố Huế thành trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế. Chú trọng phát triển kinh tế di sản, phát huy hơn nữa giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế, tạo sức hút đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu các phong trào để xây dựng thành phố Huế sáng - xanh - sạch - đẹp.

Có chính sách ưu đãi để thu hút, đãi ngộ tài năng, chuyên gia giỏi. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý các cấp thực sự tiêu biểu, nhất là những người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có khả năng thích ứng trước những thay đổi và đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. 

Pháo hoa mừng chiến thắng
Pháo hoa mừng chiến thắng

Huế đang đổi mới hàng ngày đó là điều ai cũng dễ nhận thấy nhất là những người con Huế xa quê hương mới trở về. Mừng cho Huế, khi thấy quê hương “thay da đổi thịt” tuy nhiên đó là chưa đủ khi Huế đang bước vào kỷ nguyên mới, khoác trên mình chiếc áo mới, diện mạo của một thành phố trực thuộc Trung ương.

Những người con Huế, yêu Huế mong rằng Huế luôn phát triển; vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế, xã hội vừa gìn giữ được bản sắc độc đáo của một đô thị di sản, phấn đấu xây dựng Huế trở thành một Thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa Huế và con người Huế.

                                                                                                                                                   Trần Minh Tích