Cụ thể, năm học 2022 - 2023 toàn ngành giáo dục có tổng số gần 23 triệu học sinh. Năm học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thực hiện 3 cân bằng “học - chơi - ăn ngủ” cho học sinh

Hòa chung không khí tưng bừng, hân hoan của các thầy, cô giáo và hơn 23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng năm học mới 2022-2023, sáng 05/09, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ khai giảng năm học 2022-2023 tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Ảnh: Dương Giang-TTXVN.

Cùng dự có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ.

Mở đầu bài phát biểu tại lễ khai giảng năm học và nhân dịp Tết Trung Thu sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ của mình đến tất cả các cháu học sinh, thầy cô và phụ huynh để cùng nhau thực hiện lời dạy và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và “Trung Thu trăng sáng như gương - Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.

Thủ tướng nhớ lại trong lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây khó khăn với việc dạy và học, trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã truyền cảm hứng: “Mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Thủ tướng xúc động kể về những bài học đầu tiên thầy cô dạy cho mình ở ngôi trường của một vùng quê miền núi nghèo xa xôi, thiếu thốn đủ điều, nhớ hình ảnh cha mẹ cần mẫn lo cho con học hành. Thủ tướng tin rằng những bài học và tình cảm của thầy cô hôm nay sẽ luôn là hành trang đầy ý nghĩa với các cháu sau này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin các cháu sẽ được học những bài học về lòng biết ơn và tình yêu quê hương, đất nước; biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô đã ngày đêm tận tụy chăm sóc dạy dỗ mình. Các cháu sẽ hiểu và được truyền cảm hứng từ những tấm gương sáng trong lịch sử đất nước. Các cháu sẽ học được bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các em học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi Olympic quốc tế. Ảnh báo LĐ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các em học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi Olympic quốc tế. Ảnh báo LĐ.

Đối với thầy cô, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn biết ngủ học hành là ngoan”. Thủ tướng bày tỏ thấu hiểu các thầy cô rất vất vả để dạy dỗ các cháu, chăm sóc đến mấy chục cháu là công việc không đơn giản. Nhưng các thầy cô giáo cần nỗ lực hơn nữa với phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu.

“Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thụ tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành đã xác định, muốn đổi mới về phương pháp dạy học, về kiểm tra, đánh giá, trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên thay đổi tích cực, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt.

Trước thực tế thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

Tháng 07/2022, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng.

Về lâu dài, các địa phương phải có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Phía Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các Bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.

Lê Pháp (t/h)