Việc sáp nhập Crimea có thể gây ra những căng thẳng chính trị và thiệt hại về kinh tế cho Nga nhưng bù lại, nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích quân sự.

Lợi ích quân sự của Nga sau khi sát nhập Crimea

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin đã nói đến lý do cốt lõi của việc đồng ý sáp nhậpCrimea là người Crimea vẫn luôn coi mình là một phần của dân tộc Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sáp nhập Crimea cũng mang lại cho Nga những lợi ích nhất định, đặc biệt là về mặt quân sự.

1. Nắm giữ vị trí chiến lược

Crimea và đặc biệt là quân cảng Sevastopol là vị trí có tính chiến lược ở châu Âu. Từ vị trí này, có thể kiểm soát bán đảo Balkan, Bắc Trung Đông và Caucasus. Ngoài ra, đối với nước Nga, đây cũng là cung đường duy nhất mở ra Địa Trung Hải thông qua các eo biển Dardannelles và Bosphore, giúp Hải quân Nga không chế Địa Trung Hải.

Vị trí chiến lược của bán đảo Crimea khiến cho vùng đất này luôn là nơi tranh chấp ảnh hưởng của các cường quốc

Tầm quan trọng của quân cảng này được nhấn mạnh trong các cuộc xung đột gần đây ở Syria và Abkhazia. Năm 2013, trong cuộc khủng hoảng ở Syria, Nga đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm thường trực ở biển Đen với 10 tàu chiến khiến Mỹ và đồng minh không dám thúc đẩy một chiến dịch quân sự nhằm thay đổi ảnh hưởng ở Syria. Cũng trong cuộc chiến ngắn ngủi với Gruzia, Hạm đội biển Đen đóng ở Sevastopol với 13 tàu chiến đã nhanh chóng đánh bại hải quân Gruzia cũng như đổ bộ vào Abkhazia và Poti.

Với vị trí chiến lược như vậy nên dễ hiểu rằng, Crimea luôn luôn được Nga coi trọng. Bá tước Grigori Potemkin, "cha đẻ" của Hạm đội Biển Đen đã mệnh danh Sevastopol là thủ đô thứ ba của nước Nga. Mảnh đất này đã chứng kiến những thăng trầm lịch sử của nước Nga. Những địa danh Sevastopol, Balaklava, Yalta không chỉ gợi nhớ đến những trận chiến chấn động lịch sử châu Âu, mà còn ghi lại những quyết định làm thay đổi trật tự thế giới.

Cũng chính vì vị thế chiến lược đó mà ngay khi Tổng thống thân Nga vừa bị lật đổ Viktor Yanukovych lên nhậm chức năm 2010, Nga và Ukraine đã tiến hành gia hạn hợp đồng cho thuê Sevastopol. Trong hợp đồng này, Nga và Ukraine ký thỏa thuận kéo dài thời hạn cho Nga thuê cảng Sevastopol đến năm 2042. Đổi lại, Nga sẽ giảm 30% giá khí đốt bán cho Ukraine, theo ước tính giúp Kiev tiết kiệm 40 tỷ USD trong một giai đoạn 10 năm. Đây là một cuộc trao đổi rất lớn giữa lợi ích địa chính trị và kinh tế.

2. Thừa hưởng trang bị quân sự khá hùng hậu ở Crimea

Không chỉ được kế thừa về vị trí địa chiến lược của Crimea, mà Nga còn có khả năng được kế thừa một số lượng rất lớn các trang bị quân sự ở Crimea.

Do vị trí quan trọng của Crimea mà ở đây tập trung hầu như toàn bộ sức mạnh quân sự đặc biệt là hải quân của Ukraine. Cùng với tuyên bố “các đơn vị quân sự Ukraine trong khu vực sẽ bị giải tán” và “quốc hữu hóa tất cả các đơn vị trên lãnh thổ Crimea" của chính quyền mới ở Crimea thì có thể nói rằng một lượng cực lớn các trang bị kỹ thuật quan trọng của Ukraine sẽ thuộc về Nga.

Thông báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga cho biết cờ St. Andrew của Hải quân Nga đã được treo trên 54 trong tổng số 67 tàu thuyền của Hải quân Ukraine, trong đó bao gồm 8 tàu chiến và 1 tàu ngầm.

Hải quân Nga cũng sẽ tiếp quản một cơ sở hạ tầng hải quân phát triển khá toàn diện trên bán đảo Crimea, trong đó có căn cứ không quân của hải quân Belbek, căn cứ huấn luyện tiêm kích hạm Nitka và một mạng lưới công sự dọc bờ biển.

Tàu ngầm duy nhất của Hải quân Ukraine treo cờ hải quân Nga

Căn cứ huấn luyện bay mặt đất Nitka tại Crimea được xây dựng từ thời Liên bang Xô để huấn luyện phi công tiêm kích hạm Su-33 cho tàu sân bay Kuznetsov. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine chính thức tiếp quản Nitka năm 1991.

Trong khi Ukraine không có tàu sân bay thì Nga lại không có cơ sở huấn luyện nên họ đã tiếp tục thuê lại căn cứ này. Năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga đã phải trả khoảng 700.000 USD cho việc thuê căn cứ Nitka. Sau khi Nga từ chối gia hạn, hợp đồng sẽ kết thúc vào năm 2013. Tuy nhiên, khi Crimea được sáp nhập, hiển nhiên là Nga sẽ tiếp tục sử dụng căn cứ này.

Những ngày vừa qua, hình ảnh lính Ukraine rút quân khỏi căn cứ mà không mang theo bất cứ vũ khí trang bị nào cho thấy gần như chắc chắn tất cả trang thiết bị quân sự ở bán đảo Crimea đều thuộc về Nga.

3. Sáp nhập nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến

Không chỉ mất đi một lượng lớn các trang bị kỹ thuật, khi Crimea sáp nhập vào Nga, Ukraine còn có thể mất đi một lượng lớn các cơ sở công nghiệp quốc phòng quan trọng.

Hiện nay, Crimea là nơi đặt trụ sở của 13 cơ sở trực thuộc công ty công nghiệp quốc phòng Ukraine, nằm trong cơ cấu của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nhà nước Ukraine. Trong thời gian này chi nhánh của Tập đoàn ở Crimea đang thực hiện các hợp đồng nâng cấp máy bay trực thăng Mi-8, máy bay chiến đấu MiG-21 Bis cho không quân Crimea và chế tạo 4 chiếc tàu đổ bộ đệm khí Zubr cho hải quân Trung Quốc.

Các ngành công nghiệp quốc phòng trọng điểm của Crimea là chế tạo và dịch vụ bảo dưỡng máy bay và tàu thuyền, cùng với một số công trình sản xuất quốc phòng quan trọng khác.

Các sản phẩm ngành đóng tàu của Crimea rất nổi tiếng và phòng phú bao gồm: tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, tàu chở dầu, tàu vận tải… Theo thống kê, hơn 1 nửa số tàu cánh ngầm thế giới được đóng ở Crimea.

Trước đây, nhà máy đóng tàu biển Đen là nhà máy đóng tàu duy nhất đặt tại Ukraine có khả năng chế tạo được hàng không mẫu hạm cho hải quân Liên Xô.

Hiện nay, ở Crimea có 3 doanh nghiệp đóng tàu lớn là Công ty cổ phần “Nhà máy đóng tàu Zaliv”, Công ty cổ phần “Nhà máy đóng tàu Feodosia” và Công ty vật liệu và chế tạo tàu thuyền quốc doanh “Stekloplastik”. Trong đó, Feodosia là doanh nghiệp chủ lực, nổi tiếng trong ngành đóng tàu quân sự.

Bên cạnh đó, nơi đây cũng nắm giữ những bí quyết công nghệ mang tính chiến lược như động cơ tàu thủy, tàu đổ bộ đệm khí Zubr, tiêm kích hạm Su-33, cáp hãm đà…

4. Cởi trói cho quá trình hiện đại hóa hạm đội biển Đen

Đã từ lâu Nga muốn hiện đại hóa và tăng cường lực lượng cho Hạm đội biển Đen nhưng luôn vấp phải sự phản đối của Ukraine.

Theo thỏa thuận năm 1997 giữa Nga và Ukraine, Nga nhận được 81,7% các tàu của Hạm đội Biển Đen của Liên Xô sau khi trả cho Ukraine khoản tiền 526,5 triệu USD. Moscow cũng đã xóa cho Kiev khoản nợ 97,75 triệu USD đổi lấy quyền sử dụng lãnh hải và tần số phát thanh của Ukraine, cũng như cho những tác động tới môi trường vì hoạt động của hạm đội Biển Đen.

Về thời hạn, hạm đội Biển Đen sẽ đóng ở Crimea tới năm 2017, nhưng thỏa thuận sau đó được gia hạn thêm 25 năm. Về số lượng cho phép hải quân Nga đóng ở đây 25.000 lính, 24 hệ thống pháo với cỡ đạn dưới 100 ly, 132 xe bọc thép và 22 máy bay quân sự. Nếu Nga muốn tăng, thay đối tàu chiến, số lượng quân nhân hay các trang bị khác đều phải được sự cho phép

Tàu chiến của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol

Trong bối cảnh trang thiết bị của Hạm đội biển Đen đều đã cũ kỹ, tình hình khu vực Trung Đông và Đông Âu sau “Cách mạng màu” và “Mùa xuân Ả rập” cùng với đó là việc triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ và sự mở rộng của EU, NATO gây ra nhiều bất lợi đối với Nga nên việc hiện đại hóa, tăng cường lực lượng Hạm đội biển Đen là tối cần thiết.

Trên thực tế, Nga đã lên kế hoạch hiện đại hóa Hạm đội Biển Đen từ năm 2009 nhưng chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, khi Crimea sáp nhập vào Nga, quá trình hiện đại hóa sẽ rất nhanh chóng được tiến hành.

Theo Trí Thức Trẻ