THCL Số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm ngoái, ở ngưỡng 75.000 tỷ đồng – Đó là số liệu do Tổng cục Thuế công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng cuối năm vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc nợ thuế chiếm tới 7,5% dự toán thu NSNN cả năm nay là thực tế không thể dễ dàng bỏ qua.
9 cục thuế có số nợ đọng hơn 20%
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, 6 tháng đầu năm, số thu thuế do ngành quản lý ước đạt 393.546 tỷ đồng, bằng 48,6% so với dự toán. Trong số đó, thu từ dầu thô là 20.299 tỷ đồng; thu nội địa ước 373.246 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số thu nội địa, nhiều khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản đều đạt khá so với dự toán và cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu từ khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 53,8% dự toán, tăng 22,9%. Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,1% dự toán. Số thuế thu nhập cá nhân đạt 56,1% dự toán và thu tiền sử dụng đất là 75,2% dự toán.
Tuy nhiên, việc các khoản nợ thuế vẫn ở ngưỡng 75.000 - 76.000 tỷ đồng lại là vấn đề “nóng” của ngành thuế. Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, số nợ thuế quá lớn nêu trên là "bất bình thường". Bởi nếu so với dự toán thu năm nay của NSNN là hơn 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ đọng thuế đang chiếm khoảng 7,5% dự toán. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này ở mức khoảng 5% thu ngân sách, bởi vậy so với thực trạng của nền kinh tế, vấn đề cần xử lý là làm sao không để nợ thuế gia tăng giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng cũng chỉ rõ một số địa phương có tổng nợ đọng tới hiện tại tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2015 như An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đà Nẵng... Đặc biệt, 9 cục thuế có số nợ đọng thuế chiếm hơn 20% nhiệm vụ thu ngân sách năm nay như Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Điện Biên... Thậm chí, với Thái Bình, tỷ lệ nợ thuế đã chiếm gần một nửa (45%) dự toán thu ngân sách. "Phải coi cục thuế nào nợ thuế cao hơn 7,5% dự toán, nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm 2015 là bất bình thường", Thứ trưởng khẳng định.
Gian nan thu hồi nợ đọng
Thực tế, số thuế nợ đọng tăng mạnh là do khoản nợ hiện tại một phần có nguyên nhân do giai đoạn kinh tế khó khăn từ những năm 2007 - 2008 và năm 2012. Kinh tế suy giảm đã khiến không ít DN rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí giải thể, phá sản khiến DN không có nguồn tài chính để nộp thuế. Tuy nhiên, bên cạnh những DN thực sự gặp khó khăn, có không ít DN đã tìm mọi cách để trì hoãn nộp nợ thuế vào ngân sách.
Ông Đinh Nho Hậu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân nợ thuế còn do tình trạng cưỡng chế thuế gặp khó. Nhiều DN trên địa bàn Hà Tĩnh đã mở tài khoản tại nhiều NH, bao gồm cả NH ở các tỉnh khác nhau để tránh việc bị soi dòng tiền.
Để hạn chế tình trạng này, ông Hậu đề xuất Tổng cục Thuế làm việc với NHNN chỉ đạo các NH thông báo ngay với cơ quan thuế mỗi khi DN mở một tài khoản mới bất kỳ tại NH nào nhằm hạn chế việc DN cố tình không nộp nợ vào ngân sách.
Đề xuất giải pháp thu hồi nợ đọng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, chỉ riêng tại Hà Nội, đã có 17 trường hợp buộc cơ quan thuế phải chuyển cơ quan công an vì những đối tượng này đang chịu cưỡng chế nợ thuế, nhưng vẫn tiếp tục thành lập pháp nhân mới.
“Cơ quan chức năng nên tập trung vào những khoản nợ dưới 90 ngày. Đây là khoản nợ thuế tương đối lớn và có khả năng thu được, ngược lại, những khoản nợ trên 90 ngày thường không có dòng tiền và tỷ lệ thu thấp. Các đơn vị có thể phân loại kỹ hơn như khoản nợ từ 1 - 30 ngày, nợ từ 30 - 60 ngày và những khoản có khả năng thu trên cơ sở từng DN để khi có phát sinh nợ là đôn đốc thực hiện thu hồi ngay. Dựa trên những phân tích tình hình, công việc cụ thể theo lãnh đạo ngành thuế phải phân công công việc chi tiết tới chi cục, phòng, nhóm để thực hiện đôn đốc”, ông Mạnh chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị: “Để thực hiện hiệu quả, cơ quan thuế phải chỉ ra từng địa chỉ cụ thể, những ai phải làm gì, bao giờ xong và tổ chức giám sát tiến độ thực hiện nhằm thu hồi nợ đọng và hạn chế nợ mới phát sinh”.
Quang Nam