Theo đó, nhiều ý kiến dự báo trong kỳ điều hành ngày mai (16/1), giá xăng có thể tăng 200 - 500 đồng/lít, giá dầu tăng cao nhất có thể lên đến 600 đồng/lít,kg. Mức tăng trên chưa bao gồm việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác.

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy tại kỳ điều hành ngày mai 16/1, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng 0,5-3,2% nếu Liên bộ Tài chính-Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng neuron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể tăng 318 đồng (1,6%) lên mức 20.748 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể tăng 110 đồng (0,5%) về mức 21.120 đồng/lít.

Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này cũng chung xu hướng tăng, trong đó dầu mazut có thể tăng mạnh 3,2% lên mức 16.701 đồng/kg, tiếp theo là dầu diesel có thể tăng 2,7% lên mức 19.750 đồng/lít, dầu hỏa có thể tăng 2,4% lên mức 19.705 đồng/lít.

VPI dự báo Liên bộ Tài chính-Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nếu đúng như dự đoán thì giá xăng dầu trong nước có đợt tăng giá thứ ba liên tiếp trong năm 2025.

Trước đó, ở kỳ điều hành ngày 9/1, giá xăng E5 RON92 tăng 374 đồng/lít, không cao hơn 20.431 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 273 đồng/lít, không cao hơn 21.019 đồng/lít.

Giá các loại dầu cũng đồng loạt tăng: Dầu diesel tăng 488 đồng/lít, không cao hơn 19.243 đồng/lít; dầu hỏa tăng 410 đồng/lít, lên 19.244 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 83 đồng/kg, không cao hơn 16.182 đồng/kg.

Trong kỳ điều hành này, cơ quan quản lý tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn đối với tất cả các mặt hàng.

Phương Thảo(t/h)