Khoản tài trợ này, cùng với khoản đóng góp 2 triệu USD từ Quỹ Nhật Bản vì châu Á và Thái Bình Dương Thịnh vượng và Thích ứng (JFPR), do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, sẽ hỗ trợ mở rộng tài chính khí hậu và tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Rào cản tài chính ở Việt Nam vượt ra ngoài phạm vi cá nhân và đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thậm chí còn bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn, với mức thiếu hụt về tài chính ước tính là 1,2 tỷ USD. Do đó, dự án hỗ trợ kỹ thuật có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các DNNVV và các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng. Điều đó sẽ được thực hiện thông qua việc hỗ trợ NHNN xây dựng và triển khai khung pháp lý nhằm củng cố lĩnh vực tài chính số, đảm bảo thị trường vận hành an toàn và một hệ sinh thái phát triển mạnh.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao hỗ trợ kỹ thuật này và coi đây là một trong những hỗ trợ rất quan trọng giúp tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của fintech nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính tới người dân và doanh nghiệp, từ đó tích cực góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu và nhấn mạnh: “Hỗ trợ kỹ thuật cũng góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua sự phát triển và đóng góp của ngân hàng xanh, tín dụng xanh”.

“Tại Việt Nam, fintech là chìa khóa để thúc đẩy các giải pháp và dịch vụ tài chính thuận tiện và đổi mới nhằm tiếp cận các phân khúc khách hàng được chưa tiếp cận hoặc tiếp cận dịch vụ ngân hàng  chưa đầy đủ, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng cao hiệu quả và an ninh tài chính”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho biết và bày tỏ: “Nối tiếp những hoạt động hợp tác hiệu quả trước đó với NHNN, chúng tôi rất vui mừng được tham gia thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi ngân hàng số tại thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam”.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo các cơ hội đào tạo về fintech và các thông lệ tốt nhất về ngân hàng xanh cho cán bộ của NHNN, với mục tiêu 25% phụ nữ tham gia, và cung cấp dịch vụ tư vấn cho các DNVVN do nữ làm chủ trong việc chuẩn bị đơn đăng ký khoản vay xanh. Ngoài ra, dự án hỗ trợ kỹ thuật sẽ xây dựng năng lực cho các cơ quan chính phủ có liên quan và các thành viên của hiệp hội ngân hàng và fintech, đồng thời hỗ trợ một số các ngân hàng thương mại được lựa chọn trong việc phát triển ngân hàng số.

“Chương trình hỗ trợ kỹ thuật này tiếp tục mở rộng sự hỗ trợ toàn diện của Thụy Sĩ nhằm củng cố và phát triển sâu hơn lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Thông qua việc củng cố ngành fintech của Việt Nam và thúc đẩy số hóa lĩnh vực ngân hàng, chương trình mang đến cơ hội mới cho các DNNVV cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của họ”, Quốc vụ khanh Thụy Sĩ, kiêm phụ trách hoạt động hợp tác phát triển kinh tế của SECO ông Dominique Paravicini bổ sung.

Có trụ sở tại Bern, SECO là trung tâm chuyên môn của Liên bang Thụy Sĩ cho tất cả các vấn đề chính sách kinh tế then chốt, gồm cả hợp tác kinh tế và phát triển. Cơ quan này thực hiện các biện pháp chính sách kinh tế và thương mại của Thụy Sĩ vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển. Sứ mệnh của SECO là tạo thuận lợi cho quá trình tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng bền vững ở các quốc gia đối tác của tổ chức này. 

Xem thêm thông tin tại: www.seco-cooperation.admin.ch.

Minh Anh